Sống chậm

'Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật': Đừng bao biện!

19/05/2020 ,15:21

Gù hay thẳng là do nhận thức và do lựa chọn của mỗi cán bộ, không thể bao biện

Ngày 14/5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2017-2018. Trong phiên toà bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) khai có đề nghị các giám khảo chấm có lợi cho học sinh của tỉnh mình chứ không ép buộc. Bị cáo Liên khẳng định thêm rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Không đồng tình với câu nói trên, nhiều chuyên gia, nguyên cán bộ lãnh đạo đã lên tiếng cho rằng đó chỉ là cách nói bao biện cho những việc làm sai trái.

'Ai cung gu, thang lung la khuyet tat': Dung bao bien!
Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên nói tại toà: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng thành khuyết tật" . Ảnh Công an cung cấp

Gù hay thẳng là lựa chọn

"Người cán bộ ở Hoà Bình đã nói đúng: sống giữa những người gù mà bạn thẳng lưng thì thành người khuyết tật.

Nhưng hành động gù lưng xuống không phải định mệnh của bạn. Vì bạn luôn có một lựa chọn là ngừng tiếp tục đứng, tức là thôi việc hoặc từ chức", TS Nguyễn Đức Thành nói.

Cũng theo ông Thành, có rất nhiều kiểu giải thích cho lựa chọn của họ như: nếu không theo "gù" thì không còn sinh tồn được nữa, hay vì còn gia đình hoặc chấp nhận vì con cái thôi... Thế nhưng cũng cần nhìn lại, những người đứng thẳng - ở những nơi xung quanh toàn người đứng thẳng, họ chết đói cả sao? Họ không có gia đình hay sao?

"Khi chấp nhận còng lưng xuống, đồng nghĩa, chấp nhận bổ sung lực lượng cho 'những người gù' giúp họ củng cố nguồn lực và quyền lực. Điều này sẽ góp phần làm cộng đồng, xã hội biến chất từ thẳng sang gù, rất đáng lo ngại và lên án.

Còn nếu dám khước từ và quyền lợi phi nghĩa, sẽ giữ được người thẳng như cái hình hài vốn được sinh ra. Và sẽ sinh ra những đứa con đứng thẳng - suốt một đời người", ông Thành nói thêm.

Tất cả phải vì lợi ích chung

Bà Lê Thị Thu Ba - nguyên ĐBQH Khóa XIII cũng nói thẳng, chọn gù lưng xuống hay đứng thẳng là do nhận thức, lựa chọn của mỗi cá nhân cán bộ. Đã đứng trong bộ máy quản lý nhà nước ai cũng phải tuân thủ pháp luật, phải làm đúng theo quy định của pháp luật, không thể làm sai, như vậy xã hội làm sao giữ được trật tự, kỷ cương.

Nhưng nhìn lại, hàng loạt các vụ việc gần đây, bà Ba lo ngại về hiện tượng nhiều người chấp nhận lựa chọn theo gù hơn là đứng thẳng. Và tất cả đều cho thấy, lựa chọn theo còng lưng xuống cũng chỉ vì muốn mưu cầu lợi ích cho cá nhân.

Xảy ra hiện tượng trên, bà Ba cho rằng, một phần nguyên nhân là do công tác lựa chọn cán bộ chưa tốt, đã không lựa chọn được người có bản lĩnh, năng lực, đạo đức, trách nhiệm để đảm đương những vị trí, công việc quan trọng trong các ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ. Vì thiếu năng lực, thiếu bản lĩnh nên họ không dám làm đúng theo pháp luật mà phải nương theo ý người này, người kia để bảo đảm an toàn, lợi ích cho cá nhân mình.

Từ đó, bà Ba cho rằng, vấn đề tuyển chọn cán bộ rất quan trọng và phải trải qua cả một quá trình dài được rèn luyện, tu dưỡng chứ không phải một sớm một chiều.

Nhất là với những cán bộ chiến lược ở các các cấp từ trung ương tới địa phương, vấn đề lựa chọn cán bộ phải được đặt ra một cách rất nghiêm túc. Khi lựa chọn được những cán bộ là những người công tâm, trách nhiệm, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc thì cả hệ thống, cả xã hội cũng sẽ được dẫn dắt theo những điều tích cực, những việc làm tốt đẹp vì lợi ích chung, vì quyền lợi chung.

Câu chuyện từ Nhật Bản

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn - nguyên ĐBQH Khóa XIII bày tỏ ngưỡng mộ trước văn hóa, đạo đức, lối sống của người dân cũng như cán bộ, lãnh đạo Nhật Bản.

"Quan điểm nhất quán của người Nhật Bản là "đúng mà làm", không kể vì là cấp trên hay cấp dưới, lãnh đạo hay nhân viên, cũng không vì người này làm sai mà cán bộ, nhân viên cũng phải làm sai", ông Sơn nói.

Trở lại vụ việc ở Việt Nam, ông Sơn cho rằng, cần phải xem xét lại những phát ngôn của những cán bộ trong vụ sai phạm điểm thi hay lãnh đạo ký giấy bán nhà cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng. 

"Chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội thượng tôn pháp luật, vì thế, những điều làm đúng, làm tốt phải được tôn vinh, những việc xấu xa cần phải loại bỏ. Muốn làm được như vậy, những người cán bộ, lãnh đạo phải đi đầu gương mẫu, phải làm đúng, phải đứng thẳng chứ không thể gù lưng, chấp nhận nương theo điều xấu", vị nguyên ĐBQH nói thẳng.

Đồng tình với quan điểm của bà Lê Thị Thu Ba, ông Sơn cho rằng vấn đề quan trọng nhất là phải lựa chọn được người cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, năng lực.

"Lòng tự trọng, đạo đức công vụ của người Nhật không chỉ là niềm tự hào của Nhật Bản là cả thế giới phải kính nể. Chúng ta cũng cần quyết tâm xây dựng cho được một nền công vụ luôn đề cao ý thức, lương tâm, trách nhiệm, không chịu chi phối bởi những lợi ích cá nhân. Chỉ khi làm được như vậy thì mới loại bỏ được những vụ nâng khống máy xét nghiệm, nhận tiền nâng điểm thi, CSGT bảo kê cho sai phạm...", ông Sơn thẳng thắn.

Lam Lam Theo https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su