Một ngày bận rộn, vừa tan làm về, tôi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm của con gái gọi tới: “Hồng Anh đi học rất không nghe lời, cô giáo hỏi câu nào cũng lờ đi. Khi tôi hỏi tại sao thì con cũng không nói. Chị xem con dạo này ở nhà có gì khác thường không?”.
Con gái tôi từ trước đến giờ vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép nên tôi có chút hoài nghi. Nhìn sang phía con, mãi vẫn không thấy nét mặt bé biểu lộ điều gì. Tôi đành xin lỗi cô giáo: “Để tôi nói chuyện với con bé rồi sẽ báo cô giáo sau nhé!”.
“Mẹ chỉ cần một lời giải thích chứ không phải là trách mắng con đâu!”. Con gái vẫn yên lặng như cũ. Tôi đành thở dài: “Vậy trước hết con hãy ngồi suy nghĩ đi!”.
…
Ăn tối xong, con gái vẫn không nói chuyện cùng tôi mà chạy đi xem hoạt hình. Lúc ấy, tôi tới chỗ TV, ngồi xem cùng con một chút rồi nhỏ nhẹ: “Con tâm sự với mẹ một chút nhé?”.
Con gái dán mắt vào màn hình rồi ậm ừ “Vâng mẹ”.
Tôi hỏi: “Hôm nay ở lớp sao con không thèm nhìn cả cô giáo vậy? Tâm trạng của con không tốt sao?”.
Con gái vẫn không đếm xỉa gì mà chỉ chăm chú xem TV rồi nói “Vâng”.
“Vậy hôm nay con bị sao?”.
“Con chẳng sao cả!”.
Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Trước đây bé thường khoe các bạn đều hâm mộ mình vì có một người mẹ tâm lý. Vậy mà lần này, tôi chỉ cần nghe một lý do, mà con bé xử sự như vậy. Tôi thầm nghĩ: “Chẳng lẽ mình quá hòa ái sao, đánh mất cả sự uy nghiêm rồi sao?”.
Nghĩ vậy nên trong lòng tôi càng bực hơn, tôi đứng phắt dậy, giật lấy cái điều khiển, tắt TV rồi quát: “Con rốt cuộc là có chuyện gì?”.
Con gái hoảng sợ, tròn mắt nhìn mẹ. Tôi nói: “Lập tức đi về phòng ngủ và suy nghĩ kỹ xem con muốn gì?”. Con bé đứng dậy và chạy ngay vào trong phòng. Bím tóc đuôi ngựa hất lên hất xuống, nhìn rất đáng thương.
Tôi chán nản ngồi trên ghế salon. Thế rồi chồng tôi đi tới bên cạnh và nói: “Bình tĩnh một chút! Em là người hiểu con gái rõ nhất, nên tin tưởng con!”.
Đúng vậy, tôi là người hiểu rõ con gái, nó không phải là đứa trẻ lạnh lùng như vậy, nhất định có nguyên nhân gì đó.
Tôi đứng lên, hít sâu và đi vào bàn làm việc viết một tờ giấy: “Con yêu của mẹ! Con không để ý đến mẹ, mẹ rất đau lòng! Mẹ đã nổi nóng với con, thực sự xin lỗi con!”. Viết xong, tôi gõ cửa phòng con gái và nhét tờ giấy qua khe cửa.
2 phút sau, con đột nhiên mở cửa và đứng khóc thút thít. Thấy vậy tôi liền chạy lại ôm con vào lòng.
Vừa khóc, con gái vừa nói: “Hôm nay con đã làm thí nghiệm, xem khi bị người khác không để ý, mọi người sẽ thấy thế nào?”.
Tôi vỗ nhẹ vào lưng con: “Tại sao con lại muốn làm thí nghiệm như vậy?”.
Con gái trả lời: “Mẹ! Có phải lúc con không để ý đến mẹ, mẹ sẽ thấy không vui phải không?”.
Tôi gật đầu. Cháu lại hỏi: “Lúc con mải xem tivi mà không nói chuyện với mẹ, có phải mẹ cũng rất không vui?”.
“Đúng vậy! Mẹ cảm thấy vô cùng khó chịu!”.
Con gái nhỏ giọng oán trách tôi: “Con cũng thường xuyên thấy không vui! Mẹ luôn làm thêm, không có thời gian chơi với con”.
Tôi thở dài nói: “Gần đây mẹ bận quá, cuối tuần mẹ đưa con đi công viên chơi nha!”.
Con gái vẫn chảy chảy nước mắt: “Mẹ đâu có chơi với con, lúc con chơi cầu trượt, nhảy dây thì mẹ chỉ mải chơi với điện thoại thôi!”.
Nghe câu này của con gái, trong lòng tôi như có luồng điện chạy qua. Ngày nay, điện thoại ngày càng nhiều chức năng, tôi cũng tự nhiên thành ra “nghiện” lúc nào không hay biết, lúc nào cũng cầm điện thoại không rời tay.
Nhiều lần tôi đưa con gái ra ngoài chơi, trong lúc chờ con chơi thì tôi lấy điện thoại ra đọc tin nhắn, vào mạng xem tin tức, lên facebook nói chuyện với bạn bè.
Tôi nhớ lại, lúc con bé khoảng 5 tuổi, mỗi lần cho con đi chơi, con vừa chơi với bạn bè vẫn vừa nhìn mẹ, ra vẻ nói rằng con đang chơi giỏi chưa. Những lúc ấy tôi lại nhìn con mà mỉm cười gật gật đầu. Thực sự nhìn vẻ mặt con rất vui. Nhưng đúng là từ lâu rồi cảnh tượng như vậy không còn diễn ra nữa…
Nước mắt chợt trào ra, tôi ôm con vào lòng và nói: “Mẹ xin lỗi! Mẹ xin lỗi…”
Tôi lại nói với con gái: “Vậy từ nay mẹ sẽ chơi và nói chuyện với con nhiều hơn nhé! Ngày mai con hãy đi xin lỗi cô giáo được không?”.
Con gái lúc này mới gật đầu ưng ý.
Nhờ “bài học” của con gái mà tôi như tỉnh ngộ, tôi quyết định sẽ “cai” điện thoại để chơi đùa cùng con nhiều hơn, hưởng thụ trọn vẹn khoảnh khắc tìm cảm đầm ấm của mẹ và con gái.
▪️Cho con bạn 30 phút mỗi ngày, bạn có thể làm điều đó không?
Đừng nghĩ bạn đang dành thời gian ở bên con trong khi chơi điện thoại. Bạn chỉ đơn giản là có mặt để đảm bảo mọi việc không vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng đứa trẻ sẽ thấy tổn thương và nghĩ điện thoại di động đã “cướp” mất cha mẹ của chúng.
Thiết lập mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái không phải chuyện ngày một ngày hai mà cần sự nỗ lực và tích lũy qua thời gian dài. Mỗi ngày dành riêng 30 phút cho trẻ, khi ở bên con hãy hỏi han, không mất tập trung, không TV điện thoại hay xử lý công việc, hãy hết lòng tương tác với con nhiều hơn.
▪️Đồng hành cùng con: Có rất nhiều việc để làm
Cùng con đọc một câu chuyện cổ tích, hoặc những câu chuyện giáo dục nhân cách cho trẻ.
Chơi cùng con hay dạy trẻ những trò chơi dân gian.
Nghe một bài hát và ngân nga hát cùng con.
Ngồi trên bãi biển, lắng nghe tiếng sóng và giải thích kiến thức về tự nhiên.
Cùng nghiên cứu thiên nhiên, quan sát động vật nhỏ, hoa, cỏ và cây cối.
▪️Đồng hành cùng con: Lắng nghe trẻ
Khi trẻ con thể hiện sự ngây ngô của mình, cha mẹ không nên phán xét, đổ lỗi hay chê cười, chỉ đơn giản là nên tập trung, lắng nghe con. Với những hiểu biết sai lệch, cha mẹ chỉ cần hòa ái giải thích, nóng giận không thể giải quyết vấn đề, khi giáo dục trẻ nhỏ cần có sự kiên nhẫn và lý trí.
Trong quá trình lắng nghe, cha mẹ có thể thể hiện sự thích thú của mình như nói “Ồ vậy hả”, “Còn gì nữa không con?” (Đương nhiên nếu bạn vừa dùng điện thoại vừa nói những câu này thì đó không phải lắng nghe thực sự, kết quả cũng không hiệu quả như thế). Những tiếp xúc như vỗ vai trẻ, thơm má, ôm trẻ cũng khiến con cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.
Và điều quan trọng nhất là: Bạn phải chân thành, thực sự dành thời gian cho con, trẻ nhỏ có thể cảm nhận được điều này.
▪️Điện thoại di động có thể ở bên bạn 50 năm, nhưng thời gian và sự gắn kết cùng con sẽ không còn nữa
Thời gian con còn nhỏ chính là những năm hình thành tính cách quan trọng nhất của trẻ. Khi con bắt đầu lớn lên, 10 tuổi, 12 tuổi, 16 tuổi, chúng sẽ dần cần có không gian riêng và không còn “làm phiền” bạn như khi còn nhỏ nữa, không còn lao vào ôm lấy mẹ nói “Con yêu mẹ” nữa, không liên tục hỏi mẹ xem “Con có giỏi không?” nữa, không còn năn nỉ bạn đọc cho mẩu chuyện trước lúc đi ngủ nữa… Những khoảnh khắc thân thiết với cha mẹ lúc ấy sẽ không còn, những điều bạn đánh mất sẽ không quay trở lại nữa…
Vì vậy, những bậc cha mẹ, hãy dành thời gian nhiều hơn cho con. Đặt điện thoại sang một bên và ở bên bé, thật sự như một người cha, mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và ở bên con. Điện thoại có thể ở bên bạn cả cuộc đời nhưng tuổi thơ của trẻ chỉ có một mà thôi.
Nguồn: cafecungTony