Sống chậm

Khi bạn chơi với người giàu hơn mình

13/06/2020 ,02:15

Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Nhưng sẽ thật tệ nếu bụt hay ma đi cùng đều giàu hơn bạn. Kết bạn và làm thân với những người hay ho thú vị, đó là điều mà ai cũng muốn. Ngày ấy tôi cũng vậy. Khổ nỗi những người thú vị hay ho lại thường giàu có hơn mình.

Ai lại không muốn được sinh ra trong nhung lụa, giàu có?

Nếu có bố mẹ giàu, tôi sẽ đi du học lúc 18.

Nếu tiền không phải vấn đề, tôi sẽ vung cả tỷ bạc để khởi nghiệp.

Nếu có bố làm giám đốc, chả lẽ nào mà tôi không hưởng thụ chút đỉnh.

Tiền bạc cho bạn mốc thời gian để trưởng thành. Bạn có thể trưởng thành ở tuổi 22 như hổ phụ sinh hổ tử. Hoặc bạn sẽ trưởng thành ở tuổi 40 khi trò chơi hưởng thụ bỗng chốc trở nên nhàm chán.

Trong bài viết này, tôi muốn nói tới 2 đối tượng. Thứ nhất là những người có bố mẹ giàu. Tiếp đến là đối tượng thứ 2, những người làm giàu bằng thực lực và chính đôi tay mình.

Khi chơi với người có bố mẹ giàu hơn bố mẹ bạn
Nhớ ngày còn đi học, với 1.500đ trong túi tôi luôn bấm bụng xem mình nên ăn cái gì bỏ cái gì? Trong khi cậu bạn thân thì sáng 20.000đ đút túi. Bài học đầu đời mà có lẽ chả ai cần tới Bill Gates phải dạy, “Cuộc sống này vốn dĩ không công bằng.”

Tất nhiên, cậu bạn thân không khi dễ, không mỉa mai tôi chỉ là thằng có 1.500đ. Nhưng sẽ có nhiều người làm vậy. Và điều này thực sự không dễ chịu chút nào!

Tôi có nhiều bạn bè có bố mẹ giàu trong đó một số là bạn thân. Và dưới đây là mindset mà tôi luôn giữ khi chơi cùng họ.

Luôn biết giới hạn của mình: Túi tiền của bạn có bao nhiêu? Nếu có 1 triệu để mua sắm, đó là giới hạn của bạn. Đừng thấy bạn bè bỏ ra 5 triệu thì cũng muốn bỏ nhiều hơn. Vay thêm tiền của bạn để mua? Hell NO!!! Có cách nào khiến bạn mất chất hơn không?

Rủ đi chơi, vé vào 1 triệu trong khi túi bạn có 300k? Tốt nhất bạn nên ở nhà hoặc tìm trò khác, bất kể bạn bè sẵn sàng trả tiền giúp. Bạn nên biết giới hạn của mình!

Áp dụng quy tắc này không dễ dàng, bởi bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cuộc chơi. Nhưng nó giúp bạn giữ được chất của mình. Cũng như không mất bạn, không bị bạn coi thường, và không rơi vào cảnh nợ nần không đáng có.

Chân thành: Nếu bạn bè hỏi lý do tại sao không đi? Tôi sẽ nói tôi không có tiền hoặc hết tiền, tại sao phải xấu hổ? Bạn bè cho dù giàu nghèo thế nào thì họ vẫn luôn tìm kiếm sự chân thành. Họ nể phục những người trung thực thẳng thắn, chứ chẳng ai lại tôn trọng những đứa nhà nghèo nhưng suốt ngày đánh đu.

So sánh = Tự kết liễu: Sẽ có nhiều lúc bạn so sánh. Về vật chất, về những thứ bạn bè có, về sự dễ dàng trong cuộc sống của họ. Điều đó là khó tránh khỏi, nhưng đừng bao giờ sống với cái mindset đó. Bạn là bạn, đừng bao giờ cố gắng để trở thành người khác.

Suy nghĩ tích cực hơn: Những người có bố mẹ giàu cuộc sống thường dễ dàng, vì thế họ sẽ ít muốn lắng nghe những khó khăn hay tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Vì thế bạn cũng chỉ nên chia sẻ những chuyện tích cực và vui vẻ. Trong khi chia sẻ những chuyện tiêu cực, nó giống như bạn đang cầu khẩn sự giúp đỡ của họ, cho dù thực sự bạn chả bao giờ có ý định đó.

Khi chơi với người giàu có và thành công hơn bạn
Tôi cũng thích chơi với những người giàu có tự thân. Vì bản chất  họ giá trị. Họ tài năng. Và dĩ nhiên họ giàu có.

Sai lầm: Có 1 điều mà 99% đều chưa hiểu đúng, đó là nghĩ những người giàu có phải có gì đó vượt trội so với mình, họ phải có tài năng gì đó kinh khủng, hoặc họ phải có cái gì đó mình không bao giờ có.

Để tôi tiết lộ cho bạn biết 1 điều mà không phải ai cũng muốn tiết lộ. Đó là những người giàu có, cho dù có kiếm tiền bằng cách nào thì họ cũng không có gì hơn bạn cả. Vấn đề chỉ đơn giản là họ đi đúng hướng, họ biết tận dụng thời gian, hoặc đôi khi là may mắn hơn bạn mà thôi.

Nó làm tôi liên tưởng tới Tuấn, một người bạn của tôi. Cậu ta là 1 lập trình viên Java. Khi làm công ty cậu ta kiếm được 10 triệu/tháng. Nhưng khi tách ra ngoài làm, cậu ta kiếm được 100 triệu/tháng. Vẫn là Tuấn, vẫn là Java, vẫn những kỹ năng như vậy. Vấn đề chỉ là cậu ta đi đúng hướng hơn mà thôi.

Chứ nó không có nghĩa là 1 người kiếm được 100 triệu/tháng phải giỏi hơn người kiếm 10 triệu/tháng 10 lần. Cuộc sống không phải phép toán logic, bạn nên nhớ rõ điều đó.

Vẫn không thoát khỏi suy nghĩ mình kém hơn?: Dan, tác giả của cuốn sách How to be fucking awesome chia sẻ 1 câu chuyện thú vị khi giao tiếp với người giàu có hơn mình. Chẳng là có 1 lần Dan gặp một vị giám đốc tài năng, giàu có, thành công. Vị giám đốc này ngoài 40, ngoại hình siêu đẹp trai, ăn mặc thì phong cách. Anh ta tới đón Dan bằng chiếc Ferrari mới cóng. Sau đó cả 2 tới chỗ hẹn.

Choáng ngợp với vẻ ngoài của vị giám đốc này, Dan tỏ ra vụng về, lúng túng, gương mặt thể hiện sự lo lắng.

“Dan, có vẻ như cậu không được thoải mái lắm.”

“Ừmmm (gạn cổ họng), có lẽ là…”

“Dan, (Vị giám đốc nhìn và nói)  tôi không có gì tốt hơn cậu cả. Tôi cũng từng rơi vào tình cảnh như vậy. Cậu biết tôi làm gì không? Khi ai đó ngồi đối diện tôi như vậy, tôi ngay lập tức nghĩ rằng họ đang ngồi tiểu tiện”

Trong đầu Dan ngay lập tức tưởng tượng ra vị giám đốc đang ngồi “!”, bồn chồn lo lắng cũng vì thế tiêu tan.

Ai cũng vậy, cũng chỉ là con người. Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh họ đang ngồi tiểu tiện nếu cảm thấy không thoải mái. Đúng vậy, tôi thực sự đang nghiêm túc đấy!

Bất cứ ai cũng có thể đem tới cho bạn bài học: Nếu 1 người bình thường tỏ ra hào hứng khi học được thứ gì đó mới, đó là chuyện của người bình thường. Với người giàu, mỗi bài học của họ phải chi trả bằng rất nhiều tiền. Bạn sẽ thấy điên rồ khi có những khóa học chi phí vài chục triệu trong vài giờ, nhưng nó là chuyện bình thường với người giàu. Với tiền và bài học, họ sẽ muốn chọn bài học hơn.

Vậy nên, để học được thứ gì đó từ bạn với chi phí gần như zero. Đó là điều mà bất cứ ai cũng muốn, không phải chi riêng người giàu.

Miễn là con người bạn giá trị, bạn tích cực, bạn có những điểm mạnh riêng, thì chả có lý do gì mà người giàu lại không muốn chơi với bạn cả.

Đó là lời khuyên của tôi khi bạn chơi cùng người giàu có hơn mình. Thú thực tôi cũng không còn quan tâm tới việc ai giàu hay ai nghèo hơn mình, tôi chỉ quan tâm tới những điểm thú vị và cái chất riêng của mỗi người khi tương tác. Ai đó có thể giàu hơn bạn, nhưng họ không có tuổi trẻ. Ai đó có thể nhiều tiền hơn bạn, nhưng họ không có sự tự do. Hãy tương tác theo cách mà bạn muốn, tìm kiếm sự cộng hưởng từ đôi bên thay vì đè nặng vấn đề giàu nghèo.

Bởi sau cùng, ai giàu hơn ai, việc đó đôi khi lại đến từ tâm hồn.

Theo https://chinhem.com/chinh