Sống chậm

Phạt người vượt đèn xanh khi giao thông ùn tắc: Chuyện lạ!

08/05/2020 ,03:29

Khi hướng giao thông phía trước đang bị ùn tắc thì người điều khiển phương tiện không được vượt đèn xanh để đi tới.

Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ mà Bộ GTVT đang thực hiện, quy định tín hiệu xanh giao thông là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao.

Như vậy, với quy định tại dự thảo này, nếu được thông qua thì trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt lên tới 3 - 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Trao đổi với Đất Việt về quy định trong dự thảo mà Bộ GTVT đang thực hiện, anh Trần Văn Long (32 tuổi, ngụ Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) cho rằng đây là đề xuất "rất lạ".

Phat nguoi vuot den xanh khi giao thong un tac: Chuyen la!

 

Anh Long nêu ra nhiều lý lẽ, đèn đỏ đã không được đi, đèn vàng phải giảm tốc độ tiến đến dừng lại trước vạch kẻ trắng, nếu như đèn xanh cũng không được đi nữa thì người tham gia giao thông sẽ đứng nguyên một chỗ, dẫn tới nguy cơ một điểm tắc cục bộ có thể xuất hiện. Bởi khi phương tiện phía trước không di chuyển thì phương tiện phía sau cũng không lưu thông được.

Mặt khác, khi xảy ra ùn tắc, lực lượng CSGT sẽ phải tập trung xử lý điểm ùn tắc. Nếu đưa thêm quy định này, việc nào sẽ được ưu tiên hơn. Không phải điểm giao nào cũng có camera để áp dụng phạt nguội.

"Có một thực tế mà chắc chắn ai cũng gặp phải, khi người tham gia giao thông gặp đèn đỏ dừng lại, đến khi chuyển sang đèn xanh mà người phía trước chỉ cần di chuyển chậm một vài dây hoặc không có biểu hiện di chuyển thì lập tức bị người phía sau nhắc nhở, thậm chí chửi bới. Khi đường càng ùn tắc thì tình trạng này càng hay xảy ra" - anh Long nêu một vấn đề khác.

Chị Phạm Thị Duyên (33 tuổi, ngụ Q.4, TP. HCM) cũng cho rằng, quy định không được vượt đèn xanh khi phía trước có điểm ùn tắc là điều không hợp lý.

"Luật quy định là đèn xanh được đi, điều này còn được đưa vào trường học để giáo dục các em nhỏ, giờ quy định đèn xanh không được đi nữa thì khó chấp nhận. Tốt nhất là nên linh hoạt, lực lượng điều tiết giao thông cần căn cứ vào thực tế ở hiện trường để có những hướng dẫn hợp lý cho người dân" - chị Duyên bày tỏ.

Khó xử phạt!

Trao đổi với Đất Việt về quy định mới trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ mà Bộ GTVT đang triển khai, luật sư Trần Xuân Thái - nguyên thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HCM cho rằng, quy định mà Bộ GTVT đề xuất sẽ gây khó cho lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ ở các chốt.

"Trong dự thảo nêu hướng đi tới đang bị ùn tắc thì người ở phía sau các phương tiện không được di chuyển tới, kể cả là khi có đèn xanh nhưng không nói rõ cụ thể mật độ tắc như nào thì không được di chuyển tới, khoảng cách tắc phía trước là bao nhiêu? Chính vì thế, nếu quy định này đi vào thực tế thì sẽ rất khó được áp dụng".

Ông Thái cho rằng, việc điều tiết giao thông ngoài hiện trường phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng giám sát, tùy vào tình hình thực tế mà người giám sát đưa ra những hướng dẫn khác nhau để người tham gia giao thông di chuyển, hạn chế ùn tắc tốt nhất.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Long - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Giao thông Đường bộ quy định các phương tiện thấy phía trước có tắc đường thì dù đèn xanh cũng không được di chuyển đang mâu thuẫn với các Nghị định của Chính phủ.

"Nghị định năm 2016 của Chính phủ quy định, những phương tiện tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt từ 300.000 - 400.000 đối với xe máy, 1 - 1,2 triệu đồng đối với ô tô.

Nghị định này đưa ra dựa trên Luật Giao thông Đường bộ 2008, trong đó quy định "đèn xanh được đi" - nghĩa là các phương tiện buộc phải di chuyển, không được dừng lại. Bây giờ đưa ra dự thảo mới sẽ không đồng nhất với các Nghị định được ban hành, có thể gây ra sự bối rối trong công tác xử lý vi phạm" - luật sư Long nhận định.

Theo https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi