Sống chậm

Trong một thời đại mà mọi thứ được sản xuất hàng loạt như hiện nay thì lấy cái gì ra để phân biệt món hàng này với món hàng kia?

09/02/2022 ,17:04

Không phải thương hiệu đâu mà là một cái người ta hay gọi là văn hóa hay gien doanh nghiệp. Thường thì cái đó từ người sáng lập mà ra. Steve Jobs là một ví dụ điển hình về người tạo dựng bộ gien cho Apple. Với sự duy mỹ và cầu toàn tuyệt đối đến mức đòi thiết kế bo mạch cũng phải đẹp, Steve Jobs đã làm cho mọi sản phẩm của Apple có được sự hoàn hảo mà các hãng khác chạy theo không được. Và dù Steve Jobs đã mất, quá sớm, nhưng văn hóa, bộ gien ông để lại cho Apple thì không ai thay đổi được.

 

Nói chung mọi nhà tư bản lớn đều là những nhà văn hóa lớn, và đều để lại bộ gien riêng của mình cho doanh nghiệp, cho sản phẩm của họ. Khó mà diễn tả cái đó là gì, nhưng cứ nhìn iPhone, Macbook, facebook, hay xe Tesla là thấy ngay hình bóng những ông chủ đằng sau.
Xe hơi là một ví dụ thú vị về gien sản phẩm. Tesla khác hẳn BMW và lại càng khác Toyota. Có thể dễ dàng bắt chước kiểu dáng của một chiếc xe hơi hãng khác, nhưng linh hồn của hãng ở trong từng chi tiết, tiếng máy, độ rung,... thậm chí thái độ phục vụ của nhân viên, thì không thể bắt chước nổi.
Và cũng vì vậy nên ở nước ngoài, thương hiệu xe đi liền với chủ nhân. Cầu thủ sẽ chạy xe của họ, chủ ngân hàng sẽ chạy xe của họ,... Không phải tiền (với bọn giàu thì giá xe nào cũng như nhau cả), mà là văn hóa.
Cái này ở VN còn xa lạ, nhưng các nước đã giàu đủ lâu thì đều có những chuẩn riêng cho các kiểu người khác nhau. Ví dụ bạn là ai đó thì bạn sẽ phải mặc đồ của những hãng nào đó, đi xe hãng nào đó, lấy vợ thế nào đó, cho con đi học ở trường nào đó... Thường các nước mới giàu thì dân chúng hay lao đi mua hàng hiệu để nương nhờ vào cái gien văn hóa của sản phẩm, chứ bọn giàu hẳn rồi thì chúng nó lại chẳng thiết.
Bất hạnh của con người nhiều khi là không mặc đúng bộ đồ của mình, lấy phải người vợ/chồng không đúng tầm của mình, và thậm chí là đi chiếc xe không hợp với công việc và lối sống của mình. Những cái đó đều là văn hóa.
Và chính cái rào cản văn hóa vô hình đó mới là cái khó cho những thương hiệu non trẻ của TQ muốn vào được thị trường Âu Mỹ, và họ buộc phải tìm cách khác là mua lại thương hiệu sắp phá sản của châu Âu.
Các thông số kỹ thuật sản phẩm nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Văn hóa mới quyết định. Và tạo ra được một bộ gien văn hóa cho sản phẩm là việc cực kỳ khó. Nó không phải là tiền, mà là người, từ người sáng lập trở xuống, và những con người đó cũng phải sống ở đâu nữa.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó / Đêm nằm nghe tiếng chó dưới chân cầu sủa vang... thì dĩ nhiên tôi không thể làm ra được một sản phẩm có văn hóa cao được.
Ví dụ như anh mua Macbook chỉ vì anh yêu Steve Jobs, anh mua Huawei chỉ vì anh thích Nhậm Chính Phi, và nếu anh có mua ô tô điện thì cũng chỉ vì anh thích Elon Musk.
Chứ tiền bạc thì phù du, và chẳng bao giờ là yếu tố quyết định trong sự chọn lựa sản phẩm của một người tử tế.
ĐLam ST