Hàng loạt khu "đất vàng" khi di dời các nhà máy, xí nghiệp đã biến thành các cao ốc chung cư, văn phòng và trung tâm thương mại... Ảnh: Đình Phong.
Đồng thời, vẫn thiếu một số công trình kết nối hạ tầng (nhất là giao thông) giữa đô thị và các địa phương lân cận, làm cho tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và chất lượng sống của người dân.
Bộ Xây dựng cho biết, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, TP HCM triển khai chậm.
“Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành”, báo cáo Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Cũng theo Bộ Xây dựng, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi. Thời gian lập đồ án thường kéo dài so với quy định, chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển đô thị.
“Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ theo quy định; điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật song không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành, nội thị”, Bộ Xây dựng cho hay.
Chủ trương của Chính phủ di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, quỹ “đất vàng” để lại sẽ dành cho các công trình công cộng. Tuy nhiên, thời gian qua, một loạt nhà máy sau di dời lại biến thành cao ốc, để lại hệ lụy lớn về hạ tầng, giao thông và thất thu ngân sách nhà nước.
Dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Khu đất này trước đây là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Năm 2011, Công ty TNHH MTV Thống Nhất liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.
Tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao 29 tầng nổi cũng đang được xây dựng. Khu đất 3,7 ha này trước đây do một xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng.
Cũng nằm ngay trên trục đường Nguyễn Tuân, khu đất 2,2ha tại 47 Nguyễn Tuân, sau khi thu hồi từ CTCP dệt Mùa Đông đã được giao lại cho CTCP bất động sản Mùa Đông - VID, để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 tòa cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.
Ngoài ra, hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp như dự án công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án của công ty cổ phần May Thăng Long (số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn, quận Đống Đa); dự án nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy)...