Tin tức

126 dự án TP.HCM vướng đất công: Phải làm nghiêm theo luật

23/08/2020 ,07:07

Chủ tịch UBND TP.HCM xin chính phủ có văn bản hướng dẫn, gỡ vướng cho 126 dự án có đất công xen kẹt đang triển khai trên địa bàn. Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công ngày 21/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang có 126 dự án chậm thực hiện do đang vướng quy định về xử lý phần đất công xen cài trong các dự án.

Trước vướng mắc này, ông Phong kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên giúp TP. HCM và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện.

Trước đó vào đầu tháng 4/2020, UBND TP. HCM cũng có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị  giải quyết các vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có đất công xen kẹt trên địa bàn.

126 du an TP.HCM vuong dat cong: Phai lam nghiem theo luat
Dự án Green Star Sky Garden (quận 7, TP.HCM) do Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vấn đề đất công xen kẹt.

Theo đó, UBND TP. HCM kiến nghị, đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000 m2 trong các dự án nhà ở (đất xen cài, kẹt giữa các thửa đất, mương, rạch...), Thủ tướng cho phép TP. HCM giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.

Đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000 m2,Thủ tướng cho phép TP. HCM hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề đất công xen kẹt tại nhiều dự án bất động sản, PGS.TS Nguyễn Quang Học - Khoa Quản lý đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, về nguyên tắc dù vướng chỉ 1m2 đất công thì vẫn phải làm theo Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

"Không thể vì diện tích đất công chiếm tỷ lệ cực nhỏ trong toàn bộ dự án mà làm sai luật. Vấn đề ở chỗ, tại sao ban đầu khi biết rõ đất chưa sạch, có diện tích đất công xen kẹt trong dự án và có thể gây khó khăn cho dự án và chủ đầu tư mà cơ quan quản lý vẫn phê duyệt?", PGS.TS Nguyễn Quang Học đặt câu hỏi.

"Tôi nghĩ họ đều biết cả nhưng cứ lẩn đi, xuê xoa cho nhau và tìm cách lách luật, thậm chí không loại trừ khả năng chủ đầu tư dự án và cán bộ quản lý, đặc biệt là người có trách nhiệm phê duyệt dự án bắt tay nhau cho qua.

Nếu bị phát hiện, họ có thể viện cớ rằng diện tích đất công quá nhỏ so với tổng thể dự án nhưng không thể "xé rào" được. Dự án khi bị vướng đất công xen kẹt thì không thể triển khai, dù 1m2 đất vẫn cứ làm đất công, không thể nhắm mắt bỏ qua mà xây dựng, sử dụng đất công sai phép.

1m2 ấy có thể là đất rạch, đường, bờ đất..., song cũng có thể nó nằm ở vị trí đất vàng và 1m2 ấy có giá trị gấp nhiều lần so với đất ở nơi khác. Hơn nữa, một đồng của đất công cũng phải nộp vào ngân sách, ai vi phạm đều phải bị xử lý", PGS.TS Nguyễn Quang Học bày tỏ quan điểm.

Theo ông Học, không thể cứ đương nhiên chấp nhận cho dự án triển khai dù vướng một tỷ lệ nhỏ đất công xen kẹt. Làm như vậy khác nào hợp thức hóa cho sai phạm và nó sẽ tạo nên một tiền lệ xấu để chủ đầu tư các dự án được đà lấn tới.

Bây giờ chỉ có cách cơ quan quản lý nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất: chuyển phần đất công xen kẹt đó sang đất không phải là đất công rồi giao lại cho Nhà nước. Sau khi thu hồi lại, Nhà nước sẽ quyết định phần đất đó phải đấu giá, giao đất có thu tiền, đổi đất hay cho thuê đất... theo quy định, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Còn luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, TP. HCM liên tục đưa ra những kiến nghị về đất công xen kẹt cho thấy chính quyền còn đang bối rối trong việc áp dụng Nghị định của Chính phủ, vẫn còn có sự mâu thuẫn trong việc áp dụng quy định pháp luật.

Theo ông Phượng, có 2 quãng thời gian diễn ra liên quan đến văn bản kiến nghị của UBND TP. HCM. Đó là quãng thời gian trước và sau khi có văn bản kiến nghị của UBND TP. HCM gửi Chính phủ.

"Nếu văn bản kiến nghị hướng tới những dự án đang thực hiện mà vướng đất công xen kẹt nên bị chững lại thì tôi cho rằng, đó là đề xuất hợp lý.

Tuy nhiên, nếu chỉ đồng ý không thì không ổn mà cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị quản lý để xảy ra những sai phạm trong việc giao đất.

Có nghĩa là vừa chấp thuận theo kiến nghị của UBND TP. HCM nhưng đồng thời cũng phải vừa làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, có phương án xử lý đích đáng theo quy định của pháp luật.

Còn nếu văn bản áp này áp dụng cho những dự án từ nay trở về sau thì khó có thể chấp nhận. Bởi trong Luật quản lý và sử dụng tài sản công lại quy định, kể cả 1m2 đất công cũng phải đem đấu giá. Nếu giao cho chủ đầu tư theo hình thức chỉ định có thể gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho sự xuất hiện lợi ích nhóm manh nha" - ông Phượng bày tỏ.

Theo https://baodatviet.vn/bat-dong-san