Tin tức

Bắt Giám đốc CDC Hà Nội: Điều đau lòng hơn

25/04/2020 ,11:57

Bắt tay, trục lợi từ dịch bệnh là không thể chấp nhận và phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, nhìn sâu trong công tác quản lý còn thấy điều đau lòng hơn.

Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Giám đốc và 6 cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chiều 23/4, cơ quan báo chí dẫn nguồn Cục CSĐT về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) bước đầu xác định hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 được CDC Hà Nội mua với giá 7 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Vụ việc gây nhiều bức xúc.

Bat Giam doc CDC Ha Noi: Dieu dau long hon
7 bị can trong vụ án "thổi giá" hệ thống xét nghiệm COVID-19.

Bà Trần Thị Quốc Khánh - ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng vụ việc xảy ra là điều đáng tiếc cho chính những cán bộ, lãnh đạo tại CDC Hà Nội. Bởi họ cũng chính là những người đã và đang được giao cho nhiệm vụ hết sức nặng nề, căng thẳng, áp lực, và trong suốt thời gian qua họ đã thể hiện tốt vai trò là những cán bộ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Vì thế, khi sự việc xảy ra, không những là điều nuối tiếc mà còn khiến nhiều người phải đau lòng.

Bà Khánh khẳng định, hành vi bắt tay doanh nghiệp thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi hàng nhiều tỷ đồng là không thể chấp nhận được và phải bị xử lý nghiêm.

"Không thể bao biện, biện minh cho những sai phạm của các cá nhân, tổ chức trong vụ việc này, nhất là khi tình hình bệnh dịch đang phức tạp, nguy hiểm như hiện nay. Đây là điều đáng tiếc và họ phải chịu trách nhiệm cho những việc làm sai trái của mình", bà Khánh nói.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và chức trách nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị phụ trách trong việc phê duyệt, quyết định mua sắm tài sản công, bà Khánh cho rằng có vấn đề rất lớn.

Là người nhiều năm nghiên cứu việc thực thi pháp luật trong mua sắm đầu tư công, bà Khánh cho biết những tồn tại hạn chế trong điều hành, quản lý có thể sẽ còn khiến có thêm nhiều vụ việc tương tự và sẽ có nhiều cán bộ phải vào vòng lao lý.

Đây cũng là vấn đề khiến bà đau lòng và bức xúc hơn cả.

Vị đại biểu đoàn Hà Nội phân tích, ngay từ đầu những cán bộ thuộc CDC Hà Nội đều cho thấy họ là những người có chuyên môn, có trách nhiệm và họ đã làm tốt công việc phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, những sai phạm bắt đầu xảy ra khi CDC Hà Nội được giao đứng ra mua sắm thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Từ đây mới nảy sinh việc móc ngoặc, thổi giá, cấu kết, trục lợi và bị khởi tố.

"Ở đây có lỗ hổng trong việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Ngay từ vụ tham nhũng tại Vinashin - Vinalines tôi đã rất đau lòng khi cứ phải đặt ra các câu hỏi: Tại sao cứ những cán bộ được giao mua bán tài sản công là lại xảy ra tình trạng tranh thủ, biển thủ, tham nhũng, để trục lợi riêng cho cá nhân, cho nhóm của mình?

Rõ ràng pháp luật đã chưa đề cao tới trách nhiệm của những người có trách nhiệm thật sự trong công tác quản lý, mua sắm tài sản công.

Vì thế mới có chuyện giao việc mua bán tài sản công cho những người không có chuyên môn về quản lý tài sản công? Cụ thể tại CDC Hà Nội, tại sao lại để những bác sĩ, những cán bộ, lãnh đạo phòng chống dịch đi mua máy móc, thiết bị trong khi chuyên môn của họ là chống dịch bệnh không phải là đi tìm hiểu giá cả máy móc, tổ chức đấu thầu, mua bán, làm như vậy còn thời gian đâu để họ chống dịch nữa.

Cần phải rất rõ ràng đây là việc công, tài sản công, không phải tài sản của cá nhân hay của riêng một cơ quan đơn vị nào, như thế, tự mỗi cá nhân sẽ phải đề cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cá nhân như vậy sẽ không còn tình trạng cứ thấy thấy lợi là làm nữa.

Những cơ quan này chỉ là những cơ quan tham mưu, đề xuất, đưa ra những yêu cầu cần được đáp ứng để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu phòng chống bệnh dịch như: cần những loại máy móc thiết bị gì, thiếu những loại gì và phải mua những loại có tiêu chuẩn kỹ thuật như thế nào.... Các cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý, mua sắm tài sản công phải là những đơn vị phê duyệt, quyết định căn cứ trên các đề xuất đưa ra. Không thể cứ khoán trắng cho CDC Hà Nội được.

Nếu không bịt được lỗ hổng này thì còn tham nhũng, tiêu cực, chúng ta còn mất cán bộ bởi họ có thể là những cán bộ có chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc sẽ là những cán bộ quản lý giỏi", bà Khánh lo ngại.


Bà Khánh cho rằng cần phải đẩy mạnh xây dựng luật hành chính công, luật về dịch vụ công, chỉ khi làm được như vậy mới hạn chế được tình trạng lợi dụng mua sắm công để trục lợi.

"Ở đây chính là câu chuyện cung ứng dịch vụ công, là nhà nước bỏ tiền ra mua máy móc thiết bị nhằm phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, của xã hội.

Như vậy, những người điều hành quản lý nhà nước về hành chính công, những người nắm rõ về luật quản lý tài công mới là những cơ quan quyết định, phê duyệt việc mua sắm. Các cơ quan chuyên môn chỉ tham mưu, đề xuất. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng không nắm rõ quy định pháp luật để vi phạm pháp luật nữa", bà Trần Thị Quốc Khánh đề cập.

Liên quan tới vụ việc, chiều 23/4, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) bị Cơ quan CSĐT (C03- Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam, Sở đã phân công một Phó Giám đốc Sở điều hành hoạt động của Trung tâm.

Theo đó, Sở đã phân công ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội điều hành hoạt động của CDC Hà Nội để đảm bảo duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID- 19 trên địa bàn thành phố.

Ông Hoàng Đức Hạnh sinh năm 1961 là PGS.TS. Ông Hạnh cũng là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội.

 

 

Theo baodatviet.vn