Tin tức

Chủ xe phải báo Cục CSGT khi cho thuê: Để làm gì?

28/04/2020 ,13:50

Nhiều ý kiến góp ý đề xuất mới của Bộ Công an về việc chủ xe phải thông báo với Cục CSGT khi cho thuê phương tiện.

Trong dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện và vi phạm pháp luật có liên quan đến phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ.

Đáng lưu ý, khi cá nhân, tổ chức cho thuê phương tiện (có hợp đồng) với thời gian một ngày trở lên, người sở hữu phải thông báo với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) qua cổng thông tin điện tử của Cục.

Theo dõi đề xuất của Bộ Công an, đại diện hãng xe V.M, công ty chuyên cho thuê ô tô tự lái ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết anh thấy "không có vấn đề gì", hiện hãng xe này có những xe cho thuê cả năm, nên việc khai báo thông tin về hợp đồng cho thuê phương tiện có thể sẽ có ích nếu xảy ra rủi ro.

"Việc khai báo rất đơn giản, cùng lắm chỉ mất thêm chút thời  gian. Tuy nhiên, có lẽ còn lâu đề xuất này mới thành hiện thực", đại diện hãng xe V.M cho biết.

Chu xe phai bao Cuc CSGT khi cho thue: De lam gi? 
Bộ Công an đề xuất chủ xe phải khai báo khi cho thuê phương tiện

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác khi được hỏi lại phản đối đề xuất này của Bộ Công an và cho rằng không khả thi.

"Vấn đề cho thuê tài sản, trong đó bao gồm cả phương tiện giao thông, đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, cứ thế mà thực hiện, Bộ Công an cần gì phải ôm đồm đưa ra quy định chủ phương tiện phải báo cho Cục CSGT khi cho thuê xe làm gì. Tốt nhất là đừng "thừa giấy vẽ voi"", anh Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), người có xe cho thuê bày tỏ. 

Cùng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần ASCS Việt Nam cho hay, việc cho thuê xe là thỏa thuận dân sự và khi xảy ra rủi ro, chẳng hạn xe của bên cho thuê bị lừa bán thì họ vẫn phải tự lo giải quyết, vậy đề xuất trên đưa ra để quản lý cái gì?

"Chúng tôi có gần 100 đầu xe cho thuê dài ngày, ngắn ngày, nếu quy định mỗi lần cho thuê phải báo với Cục CSGT thì quá phiền phức.

Cho thuê xe cũng xảy ra nhiều rủi ro, ví dụ người ta giả thuê xe rồi lừa đem bán, xe bị mất... Những khi ấy chúng tôi đều phải tự đi tìm lấy, vì nếu có báo thì nhiều khi lại nghe giải thích đây là vấn đề dân sự, không thành vấn đề hình sự được, thậm chí doanh nghiệp phải mất thêm tiền để tìm lại. Chưa kể xe làm sao còn có thể bị nhốt, giam xe...", vị này cho biết.

Trong khi đó, hoan nghênh cơ quan bảo vệ pháp luật đề xuất các phương án nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhưng ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng chỉ rõ, về nguyên tắc, bất kỳ đề xuất nào cũng phải đảm bảo tính khoa học và tính thực tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật. 

"Cần tránh đưa ra những quy định tào lao, không thực hiện được. Bây giờ cả nước có hàng triệu xe hợp đồng, mỗi lần cho thuê phải khai báo lên cổng thông tin điện tử của Cục CSGT nhưng thử hỏi hạ tầng công nghệ thông tin đã đáp ứng được chưa?

Hay lại để xảy ra tình trạng quá nhiều lượt truy cập vào khai báo một lúc thì thông báo lỗi đường truyền, không truy cập được?

Ngay thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học ở trường và thực hiện học từ xa, học online nhưng hạ tầng công nghệ thông tin lại chưa ổn định. Tình trạng mất kết nối, lúc được lúc không thường xuyên xảy ra trong suốt quá trình học khiến tâm lý học sinh và cả giáo viên ức chế, khó tập trung vào việc giảng dạy, học tập.

Bởi vậy, tôi cho rằng hàng triệu ô tô cho thuê mà chuyển về cho Cục CSGT theo dõi là không nên. Làm gì cũng cần thiết thực, có tầm nhìn xa, nền tảng công nghệ ổn định, bền vững, không phải cứ đề ra, nói hay là làm được", ông Bùi Danh Liên bày tỏ quan điểm.

Trong dự thảo Luật Trật tư An toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất khi cá nhân, tổ chức cho thuê phương tiện (có hợp đồng) với thời gian một ngày trở lên, người sở hữu phải thông báo với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) qua cổng thông tin điện tử của Cục.

Đối với trường hợp phương tiện bị "phạt nguội", cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở cơ quan để giải quyết. Việc này nhằm xác định chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm.

Nếu chủ phương tiện không hợp tác, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện, thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Bộ Công an cũng quy định những phương thức mà cơ quan chức năng có thể tiếp nhận để làm căn cứ xác minh, phát hiện những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ các thiết bị điện tử của cá nhân, tổ chức cung cấp; những thông tin, hình ảnh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...

Tổ chức, cá nhân nào cung cấp những thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác định vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin đó.

 

 

Theo https://baodatviet.vn/