Tin tức

Chuỗi cung ứng rời Trung Quốc, Mỹ khởi động thương chiến 2?

06/05/2020 ,13:48

Các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đang ngày càng được hối thúc hồi hương trong bối cảnh Washington muốn đẩy mạnh chiến tranh thương mại.

Reuters ngày 4/5 dẫn lời người phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach cho biết, Chính quyền Mỹ hiện đang tích cực thực hiện việc giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Chuoi cung ung roi Trung Quoc, My khoi dong thuong chien 2?
Nhà máy của Foxconn, đối tác sản xuất của Apple, đặt tại Trung Quốc. Foxconn hiện là công ty sử dụng nhiều lao động nhất tại Trung Quốc với 1,3 triệu người.

"Chúng tôi đã làm việc [giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc - Reuters] trong vài năm qua. Hiện tại chúng tôi cũng đang thúc đẩy sáng kiến ​​đó" - ông Keith Krach cho hay.

Reuters nhận định, ông Donald Trump dường như không từ bỏ ý tưởng về việc tiếp tục khai chiến thương mại với Trung Quốc sau khi kinh tế suy thoái và dịch bệnh lây lan khắp nước Mỹ từ một virus mà ông Trump cáo buộc là xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc.

Theo các nỗ lực của chính quyền ông Trump, Mỹ có thể chưa nhanh chóng thúc đẩy thuế quan nhằm vào Trung Quốc mà mới tìm kiếm việc đưa công ty Mỹ hồi hương, mang các nhà máy sản xuất về nước.

Theo tiết lộ của ông Keith Krach, Chính quyền Mỹ sẽ có hành động mới dựa trên vấn đề an ninh của Mỹ và sớm đưa ra các hành động cần thiết.

Reuters cho hay, Bộ Thương mại Mỹ và các cơ quan khác đang tìm cách thúc đẩy các công ty chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các ưu đãi thuế và trợ cấp bảo hiểm là một trong những biện pháp được xem xét để thúc đẩy việc công ty Mỹ về nước mở nhà máy.

Một số quan chức trước đây khẳng định với Reuters rằng, các cơ quan đang thăm dò việc sản xuất nào nên được coi là trọng yếu để đặt nhà máy ở Mỹ cũng như cách sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.

Tờ báo dẫn lời một người được cho là quan chức cấp cao của Mỹ bình luận: "Thời khắc này là một cơn bão hoàn hảo, đại dịch đã kết tinh tất cả những lo lắng mà mọi người gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc".

Người này cho rằng, do các hoạt động giao thương với Trung Quốc, thiệt hại mạnh mẽ từ đại dịch sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ suy nghĩ lại về việc làm ăn với Trung Quốc. Hợp tác với Trung Quốc mang lại bao nhiêu tiền và thiệt hại do virus corona mang lại khiến họ thiệt hại bao nhiêu tiền?

Dẫu vậy, liệu Mỹ có đạt được tham vọng đó hay không? Các nhà máy ở Trung Quốc của các Tập đoàn sản xuất Mỹ đã mang đến cho họ nguồn lợi khổng lồ, làm giảm bớt chi phí sản phẩm trong khi giá thành sản phẩm không ngừng tăng lên.

Liệu các hỗ trợ của Chính phủ Mỹ có đủ hấp dẫn để họ rút lui khỏi nơi được ví là công xưởng của thế giới?

Cách khác là ông Trump có thể thể đưa mức thuế mới lên tới 25% đối với hàng hóa trị giá 370 tỷ USD hiện tại của Trung Quốc. Điều này đã được cảnh báo sẽ khó có thể giúp kinh tế Mỹ trở nên khá khẩm hơn vì nền kinh tế đang bị yếu đi sau đại dịch trong khi phần lớn người chịu thuế là công ty Mỹ và người dân Mỹ.

Một cuộc thăm dò của AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc) cho thấy, các biện pháp thuế quan Mỹ áp đặt lên Trung Quốc đang làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

40% trong số 250 doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang xem xét hoặc đã chuyển các cơ sở sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Nhưng khoảng 35% các công ty khẳng định họ muốn tìm nguồn hàng ở Trung Quốc và nhắm vào thị trường nội địa.

Chỉ dưới 6% doanh nghiệp cho biết, họ muốn chuyển hoặc đã chuyển hoạt động nhà máy của họ sang Mỹ.

Theo https://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h