Tin tức

Mỹ đe dọa tồn vong WHO, chuyên gia Trung Quốc chỉ trích

25/04/2020 ,16:01

Hơn 50.000 người Mỹ tử vong do COVID-19, Washington không tham gia chương trình toàn cầu của WHO.

Hôm 24/4, phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc khẳng định Washington sẽ không tham gia sáng kiến toàn cầu về phòng chống dịch COVID-19 do WHO phát động vì muốn tìm hiểu thêm.

My de doa ton vong WHO, chuyen gia Trung Quoc chi trich
Mỹ tiếp tục từ chối hợp tác với WHO.

Đáng chú ý, sáng kiến toàn cầu này được khởi xướng bởi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khởi xướng.

Sáng kiến “hợp tác mang tính quyết định” nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc, phương pháp xét nghiệm và vắcxin để phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19. Mục đích sáng kiến này là nhằm phát triển các công nghệ chống COVID-19 mà bất kỳ ai cần đều có thể tiếp cận, trên phạm vi toàn thế giới.

Sáng kiến nói trên của WHO được cho là bao gồm việc dự trữ vắcxin phòng COVID-19 để sử dụng ở các nước nghèo, tương tự như cơ chế dự trữ vắcxin phòng cúm để ứng phó trường hợp xảy ra đại dịch. Trong số các đối tác tài trợ truyền thống chủ chốt của WHO, ngoài 194 thành viên còn có Liên minh vaccine GAVI, Quỹ Bill & Melinda Gates và Quỹ Toàn cầu.

“Chúng ta đang đối mặt với một mối đe dọa chung và chúng ta chỉ có thể đẩy lùi nó bằng một phương thức chung” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị.

WHO thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hỗ trợ phát động sáng kiến toàn cầu này. Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng sẽ tham gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, mục tiêu của cam kết toàn cầu là huy động được 7,5 tỷ Euro (hơn 8 tỷ USD) đến ngày 4/5 để thúc đẩy công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị.

“Đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta cần thêm nhiều bước nữa trong tương lai” - bà Leyen nhấn mạnh.

Sự thiếu vắng của Mỹ tại một sáng kiến toàn cầu càng cho thấy Washington chưa thực sụ gác sang một bên các bất đồng với tổ chức WHO về đại dịch để tự cứu mình trước dịch bệnh.

Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích WHO vì đã phản ứng chậm trước sự lây lan của đại dịch COVID-19 và tuyên bố ngừng đóng góp quỹ cho tổ chức này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định WHO cần phải tiến hành một cuộc cải cách cơ bản sau đại dịch COVID-19. Ông Pompeo cũng đề cập đến khả năng Mỹ có thể sẽ vĩnh viễn ngừng tài trợ cho WHO và yêu cầu tổ chức cải tổ.

Hiện Mỹ tiếp tục là quốc gia có người nhiễm SARS-Cov-2 nhiều nhất thế giới với tổng số 916.348 trường hợp nhiễm bệnh. Tính tới chiều 24/4 (theo giờ Mỹ), Mỹ đã ghi nhận hơn 51.000 người chết do COVID-19, tương đương 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới.

Tổng thống Donald Trump trong ngày 24/4 đã ký ban hành dự luật bổ sung 484 tỷ USD hỗ trợ các bệnh viện và các doanh nghiệp nhỏ cũng như mở rộng khả năng xét nghiệm trên toàn nước Mỹ.

Đây là gói cứu trợ kinh tế lớn thứ hai của chính phủ Mỹ trong đại dịch, sau gói cứu trợ 2,2 ngàn tỉ USD được phê chuẩn tháng 3.

Kể từ giữa tháng 3, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ lên 26,4 triệu.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm 12% trong quý 2 năm tài khóa 2020 và tỉ lệ thất nghiệp sẽ lên tới gần 14% do ảnh hưởng của phong tỏa, giãn cách phòng dịch.

Mỹ đang thể hiện quyền bá chủ của mình?

Trước các động thái chỉ trích của Mỹ nhằm vào Trung Quốc và WHO, đặc biệt là vụ kiện của tiểu bang Missouri yêu cầu Trung Quốc bồi thường, Giáo sư Zhou Weidi, thuộc Viện Quản trị Kinh tế và Kinh doanh thuộc Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc (đặt trụ sở tại Vũ Hán) đã đánh giá rằng đây là biểu hiện của bản chất bá quyền ở Mỹ.

"Những hành động như vậy thể hiện rõ bản chất bá quyền vì họ đang thực hiện bất kỳ bước đi nào mà họ muốn" - Giáo sư Zhou Weidi nhận xét.

Ông nói thêm rằng các tuyên bố tuyên bố rằng coronavirus được tạo ra một cách nhân tạo trong phòng thí nghiệm Vũ Hán hoặc "Trung Quốc đang phát triển vũ khí sinh học" là vô căn cứ và sai về mặt khoa học.

Ông Zhou Weidi cũng cho rằng, cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 của Mỹ đang cho thấy sự thiếu hiệu quả và khác biệt rõ ràng so với Trung Quốc.

"Cấu trúc quản trị hành chính của Mỹ khác với Trung Quốc. Đây là lý do tại sao các biện pháp của các quan chức của Trung Quốc là khác biệt so với những hành động của Tổng thống Mỹ" - vị chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh. Ông bình luận thêm, cuộc chiến chống lại dịch virus corona chủng mới ở Mỹ đang diễn ra không có các quy tắc thống nhất.

 

Theo https://baodatviet.vn/