Tin tức

Mỹ-Saudi Arabia xuống nước: Không chịu nổi nhiệt?

05/04/2020 ,13:26

Nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga thiệt hại không lớn nhưng Saudi Arabia sẽ hết nguồn thu ngân sách, còn Mỹ sẽ sụp đổ ngành công nghiệp dầu đá phiến.

Mỹ tuyên bố cuộc chiến dầu mỏ sắp kết thúc

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Nga và Saudi Arabia đã quyết định “ngừng các cuộc giao tranh” về dầu mỏ và sẽ đình chỉ việc “đổ dầu ra thị trường” - Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ, ông Larry Cudlow nói với phóng viên hôm 03/4.

Theo ông, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề xuất với Nga và Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác dầu.

“Tổng thống Trump đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman về một loạt vấn đề. Tổng thống Trump cho rằng, khi ngừng giao tranh với nhau, họ đã đồng ý về nghĩa vụ ngừng đổ dầu ra thị trường một cách giả tạo, nó đã hoàn toàn quá tải” - ngài Cudlow nói.

Còn Tổng thống Trump đã viết trên Twitter một ngày trước đó rằng, Nga và Saudi Arabia có thể cắt giảm sản lượng “từ 10 triệu thùng trở lên” và sau đó đề xuất cắt giảm sản lượng có thể đạt tới 15 triệu thùng mỗi ngày.

Tuy nhiên, hiện vẫn không có thỏa thuận chính thức nào giữa Nga và Saudi Arabia được công bố.

Trước đó, báo Wall Street Journal tham chiếu các nguồn tin quen thuộc với các kế hoạch, cho biết, các nước sản xuất dầu trong cuộc họp OPEC+ vào ngày 6 tháng 4 có ý định thảo luận về khả năng giảm sản lượng ít nhất 6 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho rằng, OPEC+ sẽ thảo luận về khả năng giảm sản lượng tới 10 triệu thùng mỗi ngày.

Theo ông Ruben Cruz, đối tác chính của Vụ năng lượng và tài nguyên thuộc Tập đoàn Kiểm toán KPMG tại Mexico, bên cạnh tác động của đại dịch coronavirus đối với nền kinh tế thế giới, tình hình còn phức tạp thêm do sự xung đột về địa chính trị đến nay đã lan sang nhiều quốc gia.

Nếu các nhà lãnh đạo của ba nước Hoa Kỳ, Saudi Arabia và Nga chịu ngồi vào bàn đàm phán và thỏa thuận được về những gì họ cần phải làm, thì tác động kinh tế của tình trạng dầu xuống giá có thể giảm bớt. Đó hẳn sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường.

Theo ý kiến chuyên gia, việc đưa ra quyết định và những tín hiệu mà ba ông lớn nói trên, đại diện cho hơn 30% sản lượng khai thác dầu toàn cầu, đưa ra cho thị trường, có tầm quan trọng đặc biệt.

My-Saudi Arabia xuong nuoc: Khong chiu noi nhiet?
Nga-Mỹ-Saudi đang có những chuyển động về việc thảo luận giảm giá dầu

Saudi bày tỏ nguyện vọng giảm sản lượng dầu

Vẫn như trước đây, Saudi Arabia hoan nghênh các thành viên của thị trường dầu mỏ muốn tìm giải pháp cân bằng, Bộ trưởng Năng lượng của Vương quốc và cũng là Hoàng tử Salman bin Abdul Aziz bin Salman Al Saud tuyên bố với hãng thông tấn SPA.

“Vương quốc vẫn đang mở rộng vòng tay cho những ai muốn tìm thấy giải pháp cho thị trường dầu mỏ, kêu gọi tiến hành cuộc họp khẩn cấp của các nước tham gia giao kèo OPEC + và nhóm các nước khác trong khuôn khổ nỗ lực liên tục của Vương quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đặc biệt này và đánh giá cao nguyện vọng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về thiết lập sự cân bằng trên thị trường” - Bộ trưởng Al Saud tuyên bố.

Hoàng tử kiêm Bộ trưởng nhận định, các thông báo cho rằng dường như Saudi Arabia từ chối gia hạn thỏa thuận về cắt giảm khai thác dầu của OPEC + và đã thực hiện những bước đi khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường dầu, là không đúng sự thật.

“Chính sách dầu mỏ của Vương quốc dự trù công việc đảm bảo sự cân bằng và ổn định của thị trường, để phục vụ lợi ích của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, như đang được thể hiện qua những nỗ lực nghiêm túc của Vương quốc cùng với các nước OPEC + nhằm giảm bớt tình trạng cung vượt cầu trên thị trường dầu mỏ trong bối cảnh chỉ số thấp về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng sáng kiến của Vương quốc và thêm 22 nước khác đã không được phía Nga chấp nhận, dẫn đến sự bất đồng” - Bộ trưởng Abdul Aziz giải thích.

Ngoài ra, Bộ trưởng lấy làm ngạc nhiên trước tuyên bố về mục đích của Saudi Arabia là “muốn đánh gục các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ”, bởi hiện có thực tế được biết đến rộng rãi là Vương quốc này vẫn đang giữ vị trí nhà đầu tư lớn trong khối năng lượng của Hoa Kỳ.

My-Saudi Arabia xuong nuoc: Khong chiu noi nhiet?
Ngân sách quốc gia Saudi Arabia phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu mỏ

Trước đó, bàn về vấn đề này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, nguyên nhân sụt giảm giá dầu mỏ gắn với bối cảnh đại dịch coronavirus đang bùng phát trên toàn thế giới và động thái Saudi Arabia ra khỏi giao kèo OPEC+, rồi tăng sản lượng khai thác và thông báo sẵn sàng giảm giá dầu.

Ả Rập Saudi “không chịu được nhiệt”

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến Washington và Riyadh đang sốt sắng hơn Moscow trong việc ngồi vào bàn thảo luận về cắt giảm sản lượng và tăng giá dầu là do chính hai nước này sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Nga, nếu giá dầu tiếp tục giảm cực sâu.

Theo giới chuyên gia, Saudi Arabia đang đứng trước thử thách tài chính nghiêm trọng nhất của họ kể từ năm 1988 đến nay. Sau chưa đầy một tháng “làm mình làm mẩy” khi thách thức Nga cùng tăng sản lượng dầu mỏ, Saudi Arabia cũng đã bắt đầu gánh chịu hậu quả thê thảm.

Lần đầu tiên, thâm hụt ngân sách của họ tính bằng USD lên đến 3 con số (trăm tỷ USD) vào đầu năm 2020. Theo tính toán của giới chuyên gia, với mức giá dưới 30 dollars một thùng, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ vượt quá con số 170 tỷ USD, trong khi giá dầu thường xuyên dưới mức 30USD, thậm chí có nhiều ngày ở mức dưới 20USD.

Trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài, nhu cầu dầu mỏ suy giảm mạnh thì càng tăng sản lượng, càng bán nhiều dầu càng lỗ. Điều này khiến Saudi Arabia đang đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách quốc gia cực lớn, bởi 80% nguồn thu của nước này trông vào dầu mỏ.

Trong khi đó, sau khi ngấm đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu sau khủng hoảng chính trị Ukraine năm 2014; Nga đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Hiện nay, ngân sách quốc gia Nga chỉ có khoảng 13% dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, trong khi nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt lại chiếm tới 25%.

My-Saudi Arabia xuong nuoc: Khong chiu noi nhiet?
Hiện nay, xuất khẩu dầu mỏ chỉ chiếm 13% ngân sách quốc gia Nga

Bất kể giá dầu sụt giảm như thế nào thì trong 5 năm qua, giá khí đốt rất ít biến đổi và nếu có, cũng giảm rất ít. Hơn nữa, Nga có thị phần khí đốt rất ổn định và có nhiều hợp đồng dài hạn (hàng chục năm) với mức giá ổn định. Đây là lợi thế chiến lược của Nga mà Mỹ và Saudi không có được.

Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức giảm sâu như những ngày qua, Nga có thể vẫn gắng chịu được, trong khi Saudi cơ vỡ hoạch định chiến lược quốc gia và thiếu tiền chi cho tất cả các lĩnh vực; còn Mỹ thì buộc phải cho phá sản hàng loạt công ty dầu đá phiến.

Do đó, khi đã giáng đòn và phải chịu những phản đòn nặng hơn, chính quyền Riyadh buộc phải đàm phán để cắt giảm sản lượng, nâng giá dầu.

Sức ép quá lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Về phía Mỹ, mặc dù mới bước chân vào thị trường dầu mỏ thế giới nhưng ngành khai thác dầu mỏ nước này có quy mô rất lớn, với sản lượng khai thác luôn ở mức 2 con số và đứng đầu thế giới (khoảng trên dưới 12 triệu thùng/ngày). Ngành khai thác dầu mỏ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế công nghiệp nặng của Hoa Kỳ.

Gót chân Assine của công nghiệp năng lượng Mỹ thì chính là ngành sản xuất đầu đá phiến. Giá dầu cao làm ngành công nghiệp khai thác này (với giá thành gần 40USD/thùng, so với Nga và Saudi Arabia trên dưới 10 USD) phát triển mạnh, giúp nước Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu lần đầu tiên trong lịch sử.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, giá dầu thô Mỹ phải đạt trung bình khoảng 58 USD/thùng trong năm 2020 thì mới bắt đầu chạm ngưỡng có lãi, nếu giá dầu chỉ đạt trên 60 USD một chút cũng không thúc đẩy được sản xuất, vì mức lợi nhuận thấp. Nếu cứ bán dưới giá 58 USD/thùng trong vòng 12 tháng, tất cả các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ phá sản.

My-Saudi Arabia xuong nuoc: Khong chiu noi nhiet?
Nếu giá dầu thấp kéo dài, ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ sụp đổ

Vậy mà, giá dầu hiện nay thường xuyên duy trì ở mức dưới 30USD, thậm chí nhiều ngày rớt xuống dưới 20 USD/thùng. Nó đã khiến không chỉ các nhà tài phiệt dầu mỏ, mà cả Tổng thống Mỹ Donald Trump như ngồi trên đống lửa.

Vào ngày 03/4 vừa qua, ông Trump đã gặp lãnh đạo của các tập đoàn năng lượng lớn nhất nước Mỹ, đặc biệt là CEO của các công ty dầu đá phiến - những người đã ủng hộ Trump hết mình trong cuộc bầu cử năm 2016, những người mà ông chủ Nhà Trắng đang có “món nợ ân tình” phải trả, nếu không muốn mất phiếu trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

Bất chấp Chính quyền của ông Trump đã trích ra vài trăm tỷ USD trong gói cứu trợ phòng chống thiệt hại của dịch COVID-19 để mua thêm dầu đá phiến cho dự trữ quốc gia, nhưng gói cứu trợ này chỉ như muối bỏ biển. Đã có những công ty dầu đá phiến đầu tiên xin phá sản, tiêu biểu như Whiting Petrolium.

Tình hình đối với Hoa Kỳ càng trở nên khó khăn trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành ở châu Âu và Coronavirus biến Mỹ thành ổ dịch lớn nhất thế giới, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm kỳ lục.

Theo tính toàn của giới chuyên gia, cầu dầu giảm vào cuối tháng 4 sẽ vào khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày so với mức tháng 2, tương đương khoảng 20% lượng tiêu thụ toàn cầu trước khi xảy ra đại dịch Coronavirus. Đây là một con số khổng lồ, kỷ lục thế giới mới về giảm cầu dầu mỏ và nếu nguồn cung không được cắt giảm, giá dầu sẽ tiếp tục chạm đáy lâu dài.

Vì vậy, cả Mỹ và Saudi đều nóng lòng muốn đàm phán với Nga để giảm sản lượng dầu, nếu không giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu, khiến hàng loạt công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ bị phá sản, ngành công nghiệp dầu đá phiến nước này sẽ sụp đổ, còn Saudi Arabia sẽ cạn tiền trong ngân khố quốc gia.

                                                                                                       Theo https://baodatviet.vn/