Ngày 22/5/2020, luật sư Ngô Hoàng Phương Lan - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lên tiếng cảnh báo các khách hàng đã ký hợp đồng mua bán tại dự án Sago Palm Garden (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên) sau khi cơ quan chức năng có quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư dự án là Công ty CP Thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng).
"Theo quy định thì hợp đồng mua bán sản phẩm tại dự án bất động sản phải đầy đủ điều kiện mà Luật Kinh doanh Bất động sản đưa ra.
Bên cạnh đó, mẫu hợp đồng bán sản phẩm tại dự án đó phải được Sở Tư pháp công nhận dựa trên các điều kiện đối với dự án mà chủ đầu tư đã hoàn thiện.
Như vậy, nếu như tại dự án Sago Palm Garden không đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định thì rất có thể hợp đồng mua bán mà chủ đầu tư dự án đưa ra ký với khách hàng cũng không phải là mẫu hợp đồng được cơ quan chức năng phê duyệt.
Nó có giá trị như một bản thỏa thuận dân sự, giấy viết tay... giữa hai bên với nhau. Nếu có tranh chấp thì cơ quan tài phán sẽ không có căn cứ để xử lý hành vi của doanh nghiệp" - luật sư Lan phân tích.
Dự án vườn Vạn Tuế (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên) dính nhiều sai phạm. |
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc khách hàng ký hợp đồng mua bán tại dự án chưa đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai có thể dẫn tới nhiều hệ quả pháp lý.
"Trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm thời gian bàn giao quy định trong hợp đồng thì người mua nhà cũng khó có cơ sở để khởi kiện bởi đây chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên, chưa được cơ quan chức năng công nhận.
Hợp đồng mua bán đó có thể bị thay đổi điều khoản bất cứ lúc nào nếu như cơ quan chức năng phát hiện thấy có vấn đề và yêu cầu chủ đầu tư dự án phải sửa lại" - ông Hướng nói.
Được biết, dự án Sago Palm Garden còn có tên gọi khác là vườn Vạn Tuế. Cơ quan thanh tra tỉnh Hưng Yên đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này.
Cụ thể, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Sago Palm Garden mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng Công ty Đại Hưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đã tự ý thực hiện phá dỡ toàn bộ các hạng mục của dự án “Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel”; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng phần thô hơn 200 căn biệt thự, nhà phố và một phần hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, cây xanh, cấp thoát nước trong khuôn viên dự án và ký hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán nhà ở với khách hàng thu hơn 244 tỷ đồng.
“Những việc làm trên của Công ty Đại Hưng là vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty Đại Hưng”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Cơ quan Thanh tra cũng chỉ rõ, doanh nghiệp này vi phạm về việc báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư; báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư theo quy định; chưa đăng ký biến động thay đổi tên pháp nhân…
Thậm chí, qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách Nhà nước cho thấy, doanh nghiệp này còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với Công ty Đại Hưng số tiền 290 triệu đồng, bao gồm:
Phạt 40 triệu đồng do tổ chức thi công hạng mục Nhà câu lạc bộ không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Phạt 250 triệu đồng do tổ chức kinh doanh bất động sản (đã ký hợp đồng mua bán nhà chia lô với khách hàng) mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định.