Tin tức

Tại sao Mỹ nhất quyết không chịu cắt giảm sản lượng dầu?

06/05/2020 ,13:41

Chính phủ Mỹ không can thiệp giảm sản lượng dầu vì khả năng tài chính công hỗ trợ tài chính doanh nghiệp quá thấp. Hậu quả tăng trưởng bằng nợ vay...

Kế hoạch giảm sản lượng khai thác dầu ở bang Texas đã thất bại

Ông Ryan Sitton, một trong ba ủy viên điều hành Ủy ban Đường sắt Texas (RRC) - nơi điều tiết sản xuất dầu của bang Texas, cho biết đã từ bỏ đề xuất giảm 20% sản lượng dầu thô của tiểu bang vì không được sự ủng hộ từ các thành viên còn lại, theo Reuters.

Ông Sitton luận giải: Mười năm qua chúng ta đã chứng kiến ​​làn sóng cung vượt cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, do nhu cầu về dầu được dự báo ​​tăng liên tục. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng ta thấy mức cung vượt mức cầu lớn như hiện nay.

Kết quả là, có một lượng dầu dư thừa từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ thùng sẽ tung ra thị trường trong những tháng tới, vượt xa lưu trữ trên thế giới. Điều này sẽ đẩy giá dầu xuống mức giá thấp nhất, buộc các nhà sản xuất giảm sản lượng, thậm chí ngưng hoạt động.

Thế giới cần Ả-rập Saudi và Nga giúp ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường. Và họ đã làm. Bây giờ là lúc để lãnh đạo của chúng ta nên tham gia thảo luận để ngăn chặn một cuộc chiến tranh dầu kéo dài. Chúng ta cần có một cái gì cụ thể để mang ra bàn bạc.

Tai sao My nhat quyet khong chiu cat giam san luong dau?
Ủy viên điều hành Ủy ban Đường sắt Texas Ryan Sitton đã thất bại trong đề xuất cắt giảm sản lượng dầu của Mỹ

Để giúp cho Mỹ có một cái gì cụ thể để mang ra bàn bạc với thế giới về vấn đề dầu mỏ, Ủy ban Đường sắt Texas, nơi điều tiết sản xuất dầu trong tiểu bang, xin thiết lập lịch trình cắt giảm sản lượng cho các nhà sản xuất dầu ở Texas.

Về lý thuyết, Texas có thể giảm 10% sản lượng, nếu Ả-rập Saudi cũng sẵn sàng cắt giảm 10% sản lượng trước đại dịch Covid-19 và Nga cũng làm điều tương tự. Điều này sẽ đưa thị trường trở tình trạng trước cuộc khủng hoảng dầu hiện nay.

Thực ra đây chỉ là hành động mà Texas tự quyết định vận mệnh của mình chứ không cứu giúp ai cả. Vì vậy, chúng tôi cần sự ủng hộ của Chính phủ liên bang và của Chủ tịch RRC để thực hiện thỏa thuận ổn định thị trường dầu mỏ.

Tôi biết điều này là thể hiện sự can thiệp của nhà nước vào thị trường tự do. Nhưng các chính phủ khác đã làm điều đó, vậy thì "tại sao chính phủ chúng ta không bước vào để thử và khôi phục một cách tiếp cận mới với thị trường?".

Được biết, Texas là bang khai thác dầu thô lớn nhất nước Mỹ với khoảng 5,4 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 41% tổng sản lượng của cả nước. Ông Sitton kêu gọi các thành viên RRC cân nhắc và ủng hộ đề xuất giảm 1 triệu thùng/ngày.

Trong trường hợp đề xuất này được thông qua, đó sẽ là lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua bang Texas giảm sản lượng. Tuy nhiên, trước thời điểm bỏ phiếu một ngày, ông Sitton đã hủy bỏ đề xuất này.

"Ý tưởng này đã thất bại. Lẽ ra chúng ta nên hành động từ 6 tuần trước. Ở thời điểm hiện tại đã không còn có tác dụng nữa. Chúng tôi không có được sự đồng thuận giữa 3 ủy viên điều hành để hiện thực hóa ý tưởng".

Trước đó, Chủ tịch RRC Wayne Christian nói rằng, bà sẽ phản đối đề xuất giảm sản lượng. "Tôi vẫn chưa rõ ý tưởng này có lợi cho ai. Thị trường vẫn đang điều chỉnh mà không cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng".

Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng bang Texas Karr Ingham nhận định, đến cuối tháng 5, sản lượng khai thác của Texas có thể giảm 20%, cho dù đề xuất của ông Ryan Sitton không được thông qua.

Tại sao Mỹ không chịu cắt giảm sản lượng dầu?

Dư luận rất hoài nghi về lý do tôn trọng thị trường tự do mà đề xuất của Ủy viên điều hành Ủy ban Đường sắt Texas Ryan Sitton, bị bác bỏ, trong  khi các công ty dầu đá phiến Mỹ, từ quy mô lớn đến nhỏ, đều ngắc ngoải vì dư thừa sản lượng.

Giới phân tích cho rằng, ý tưởng của ông Sitton không được ủng hộ không đơn giản là việc chính phủ tránh can thiệp vào cơ chế thị trường, mà nó nằm ở vấn đề lợi-thiệt của công nghiệp dầu đá phiến Mỹ và giới tài phiệt Mỹ, phát sinh từ ý tưởng này.

Tai sao My nhat quyet khong chiu cat giam san luong dau?
Mỹ không thể cắt giảm sản lượng khi giá dầu hồi phục

Thứ nhất, công nghiệp dầu đá phiến Mỹ và giới tài phiệt ngành năng lượng Mỹ sẽ hưởng lợi nhiều nhất, nhanh nhất khi giá dầu phục hồi, nhưng điều này sẽ không đạt được nếu ý tưởng cắt giảm sản lượng được chính phủ ủng hộ.

Hiện nay, các bể chứa dầu của Mỹ gần như tràn đầy, nghĩa là lượng dầu sàn xuất ra phải hướng tới xuất khẩu. Khi giá dầu phục hồi, với tư cách nước xuất khầu dầu thì Mỹ đương nhiên là hưởng lợi.

Do vậy, nếu cắt giảm sản lượng khai thác thì lượng dầu xuất khẩu sẽ giảm. Còn nếu đảm bảo xuất khẩu thì phải lấy dầu giá rẻ được dự trữ phục vụ nhu cầu trong nước để xuất khẩu. Bất luận thế nào nguồn lợi của ngành dầu đá phiến Mỹ cũng sẽ giảm đi.

Như vậy, nếu cắt sản lượng thì giới tài phiệt ngành năng lượng Mỹ phải hy sinh lợi ích và đương nhiên phải được bù lại. Với khó khăn hiện nay, chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào giảm sản lượng, rồi tìm cách bù đắp thiệt hại cho giới tài phiệt.

Rõ ràng, Washington thà chấp nhận đóng vai trò là thực thể phái sinh trên thị trường dầu mỏ toàn cầu để dầu đá phiến Mỹ hưởng lợi từ những quyết định và hành động của các thực thể đóng vai trò chính, mà hiện nay Nga, Ả-rập Saudi và OPEC+.  

Thứ hai, đòn cân nợ của các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ quá mất cân đối khiến chính phủ Mỹ không dám mạo hiểm ủng hộ việc cắt giảm sản lượng, đồng nghĩa thu hẹp sản xuất, tạo nguy cơ gia tăng làn sóng phá sản.

Chỉ cần xét trường hợp "người khổng lồ" Occidental Petroleum đang căng mình đối phó cơn bão tài chính là thấy ngay việc chính phủ Mỹ ủng hộ kế hoạch cắt giảm sàn lượng sẽ là cực kỳ mạo hiểm.

Tập đoàn Occidental Petroleum, trong báo cáo tài chính công bố ngày 5/5, cho thấy đã vấp phải một khoản lỗ cực lớn trong quý đầu tiên của năm 2020 và đã phải tiến hành cắt giảm kế hoạch chi tiêu lần thứ 3 chỉ trong 2 tháng.

Occidental Petroleum phải vật lộn với khoản nợ phải trả và những chi phí phát sinh từ thương vụ mua lại Anadarko Petroleum trị giá 38 tỷ USD vào năm ngoái, một phi vụ M&A lịch sử của ngành dầu đá phiến Mỹ trước khi thị trường lao dốc.

"Occidental Petroleum đã báo cáo khoản lỗ ròng 2,23 tỷ USD, tương đương 2,49 USD mỗi cổ phiếu, trong quý I/2020, trong khi cùng kỳ năm trước, tập đoàn có lợi nhuận 631 triệu USD, tương đương 84 cent mỗi cổ phiếu", Reuters tường thuật.

Đáng nói là việc mua Anadarko gây ra khoản nợ 40 tỷ USD cho Occidental và cả vụ sụp đổ giá dầu không hẳn đưa tập đoàn khổng lồ này rơi khủng hoảng như hiện nay, mà vấn đề nằm ở các chi phát sinh, trong đó đặc biệt là lãi vay.

Đây là hậu quả việc Occidental cũng như những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ - và cả hệ thống doanh nghiệp Mỹ - có hệ số đòn cân nợ quá mất cân đối, xuất phát từ việc được khuyến khích bởi chính sách cho vay không hạn chế.  

Tai sao My nhat quyet khong chiu cat giam san luong dau?
Nợ vay lớn luôn là cửa tử với doanh nghiệp Mỹ

Điều đó khiến hệ số : Vốn vay/Vốn sở hữu chủ, của doanh nghiệp Mỹ luôn vượt ngưỡng an toàn. Vì vậy, lãi vay luôn chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành, mà lãi vay lại luôn là hằng số. Thế nên khi giá dầu sụt giảm là doanh nghiệp Mỹ điêu đứng ngay.

Một vấn đề đáng nói nữa là giá trị vô hình của doanh nghiệp Mỹ luôn rất lớn, nên khi "phong vũ biểu của nền kinh tế" có biến động theo chiều hướng tiêu cực là doanh nghiệp Mỹ có thể ngay lập tức mất khả năng xử lý về tài chính.

Điều đó thể hiện rõ nhất là giá trị tài sản của doanh nghiệp để có thể chuyển nhượng hay thế chấp thường rất nhỏ so với tổng giá trị được niêm yết. Đây là lý do chính mà khiến doanh nghiệp Mỹ không thế tiếp cận nguồn tín dụng của FED.

Cuối cùng chỉ trông chờ vào chính phủ. Khi giá dầu phục hồi thì tăng sản lượng là cơ hội cho doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ vượt bão tài chính tốt nhất. Do vậy, chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào việc cắt giảm sản lượng của doanh nghiệp.

Nói tóm lại, việc chính phủ Mỹ không thể ủng hộ cắt giảm sản lượng dầu là do khả năng tài chính công hỗ trợ tài chính doanh nghiệp của Mỹ quá thấp. Đây chính là hậu quả từ chính sách tăng trưởng dựa trên gia tăng nợ công của chính phủ Mỹ hiện nay.

Theo https://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te