Tin tức

Trường trung cấp nghề chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài

08/08/2020 ,13:42

Trường trung cấp nghề có thể sở hữu bởi khối tư nhân, có nguồn gốc vốn trong nước hoặc ngoài nước. Quy định pháp luật như thế nào nếu nhà đầu nước ngoài mua lại?

Một nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch mua lại trường trung cấp nghề tại Hà Nội và bên bán yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt thì có những điều gì cần lưu ý và có rủi ro gì. Nhà đầu tư cần xác nhận những vấn đề về vốn đầu tư này trên phương diện quy định của pháp luật. Đồng thời những vấn đề về cơ sở vật chất, giấy tờ liên quan đến chương trình đào tạo… cần những điều kiện gì? Bên cạnh đó, trường trung cấp nghề này đã có giấy phép hoạt động kinh doanh trường học dân lập như vậy thì sau khi mua trường thì thủ tục sang tên giấy phép sẽ như thế nào, có khả năng vận hành trường luôn hay không, Thay đổi hiệu trưởng và giám đốc sẽ cần báo cáo như thế nào theo luật. Đồng thời có rủi ro khi trường mua đã ký hợp đồng thanh toán mà ko lấy được giấy phép để đầu tư hay không?.

Trả lời.

Công ty Luật Inteco xin chân thành cám ơn sự hợp tác của Quý khách hàng. Là một hãng luật có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A), chúng tôi xin có một số ý kiến tư vấn về vấn đề mua lại trường trung cấp nghề như sau:

Về việc thanh toán bằng tiền mặt

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cần thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Sau khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần mở tài khoản vốn để nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền góp vốn vào tài khoản vốn. Sau đó, chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản vốn sang tài khoản thanh toán (management account) để chi trả các khoản mua sắm.

Do đó, nếu nhà đầu tư Hàn Quốc muốn mua Trường trung cấp nghề thì cần thành lập Công ty trước, sau đó chuyển tiền từ Công ty có vốn đầu tư nước ngoài này sang bên bán Trường trung cấp nghề.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thì “Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”.

Như vậy, khoản tiền mua trường buộc phải chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng thì mới được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nếu chuyển bằng tiền mặt, thì toàn bộ khoản tiền đã thanh toán đó sẽ không được tính là chi phí. Đây là rủi ro rất lớn với bên mua bởi khả năng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ trường hợp Công ty có có các khoản chi khác lớn hơn và/ hoặc đang ở trong tình trạng bị lỗ dẫn tới việc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức mua lại phần vốn góp/ cổ phần trong một doanh nghiệp sở hữu Trường trung cấp nghề, thì toàn bộ số tiền mua phần góp vốn/ cổ phần phải được chuyển khoản.

Chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết hơn về giải pháp khắc phục sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ của trường. Các phương án mua lại chỉ có thể cung cấp khi chúng tôi nắm rõ và đầy đủ thông tin về trường, cách thức tổ chức, vận hành của trường.

Tham khảo Dịch vụ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Về cơ sở vật chất, giáo trình, giáo viên

Một số điều kiện mà pháp luật quy định đối với việc thành lập và hoạt động của trường trung cấp nghề như sau:

Về vốn đầu tư:

Vốn đầu tư thành lập Trường trung nghề cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng và được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai.

Về lĩnh vực đào tạo:

Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; phù hợp với cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương.

Về cơ sở vật chất:

Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu của là 10.000 m2 đối với khu vực đô thị và 20.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị.

Có phòng học; phòng thí nghiệm; phòng, xưởng thực hành, thực tập; cơ sở sản xuất thử nghiệm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học theo chương trình đào tạo, quy mô đào tạo của từng ngành, nghề. Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5 m2/chỗ học.

Có đủ thiết bị đào tạo của từng ngành, nghề đào tạo đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Có thư viện với các phần mềm và trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu, nghiên cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu như sách, giáo trình, bài giảng của các mô đun, tín chỉ, học phần, môn học, các tài liệu liên quan đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.

Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và khu hiệu bộ, bảo đảm đáp ứng cơ cấu tổ chức phòng, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 06 m2/người đối với đào tạo trình độ trung cấp và 08 m2/người đối với đào tạo trình độ cao đẳng.

Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Về đội ngũ giáo viên:

Để thành lập Trường trung cấp nghề, đội ngũ giáo viên cần đáp ứng các điều kiện như sau:

Có đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo, trong đó:

Tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa là 25. Có số lượng giáo viên, giảng viên cơ hữu đảm bảo đảm nhận tối thiểu là 60% chương trình của mỗi ngành nghề đào tạo.

Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tham khảo thêm dịch vụ Tư vấn đầu tư nước ngoài

Tham khảo thêm dịch vụ Mua bán sáp nhập doanh nghiệp

Đáp ứng điều kiện trong quá trình thẩm định hồ sơ mua lại trường.

Trên thực tế, một trường Trung cấp nghề đang hoạt động có thể chưa đáp ứng các điều kiện nêu trên, bởi một số lý do như: (i) Trường thành lập vào thời điểm mà pháp luật Việt Nam có những quy định chưa chặt chẽ như nêu trên đây, hoặc (ii) hồ sơ thành lập đáp ứng đủ điều kiện nhưng sau đó cơ sở vật chất, vốn, giáo viên bị điều chỉnh và thay đổi.

Khi nhà đầu tư nước ngoài vào mua và tiếp nhận lại trường học, cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện việc thẩm định lại toàn bộ cơ sở vật chất, vốn, đội ngũ giáo viên, giáo trình, chương trình giảng dạy …., để xác định khả năng đáp ứng điều kiện. Nếu Trường Trung cấp nghề không đáp ứng điều kiện thì việc mua lại có thể gặp vướng mắc, thậm chí không được chấp thuận.

TUY NHIÊN, việc thẩm định điều kiện và thủ tục cụ thể còn phụ thuộc rất nhiều vào hình thức mua lại.

Có nhiều cách tiếp cận để mua lại trường, như mua lại toàn bộ tài sản, mua lại cổ phần/ phần góp vốn trong công ty …… và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế sở hữu, vận hành hiện tại của nhà trường.

Để có thể đưa ra được giải pháp hợp lý nhất, chúng tôi cần thực hiện việc thẩm định pháp lý (Due diligence) một cách toàn diện về Trường trung cấp nghề.

Tham khảo thêm thông tin về đội ngũ Luật sư của chúng tôi

Tham khảo thêm về dịch vụ soạn thảo hợp đồng

Việc điều hành trường sau khi mua lại trường trung cấp nghề

Câu hỏi về việc điều hành trường sau khi mua lại, thay đổi hiệu trưởng ….. phụ thuộc vào mô hình hoạt động hiện tại của Trường, cũng như cách thức mà các bên giao dịch.

Trong trường hợp hợp mua lại phần vốn góp từ chủ sở hữu trường thì tư cách pháp nhân của trường vẫn giữ nguyên và mọi hoạt động của trường vẫn giữ nguyên, không bị gián đoạn.

Trong trường hợp mua lại tài sản của Trường trung cấp nghề nhưng không mua lại tư cách pháp nhân thì nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thủ tục từ đầu, gồm xin cấp phép dự án đầu tư, thành lập trường … nên các hoạt động của trường sẽ bị gián đoạn trong thời gian dài.

Về mặt nguyên tắc, Giấy phép hoạt động cấp cho Trường và Trường có tư cách pháp nhân độc lập với chủ sở hữu. Do đó, việc thay đổi chủ sở hữu sẽ không làm thay đổi giấy phép. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nội dung giấy phép hoạt động hiện tại của Trường nên ý kiến tư vấn chắc chắn sẽ được đưa ra sau khi hoàn tất việc thẩm định pháp lý (Due Dilligence).

Việc đánh giá cách thức mua lại và khả năng gián đoạn phụ thuộc vào ý chí các bên và mô hình hoạt động hiện tại của Trường. Chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết sau khi thực hiện việc thẩm định pháp lý (Due diligence).

Tham khảo thêm dịch vụ Xin cấp giấy chứng nhận cơ sở bán lẻ

Đánh giá gánh nặng, rủi ro khi mua lại Trường trung cấp nghề

Trường Trung cấp nghề dân lập có bản chất hoạt động như một doanh nghiệp, có doanh thu, có lợi nhuận, có các khoản chi, có các khoản vay và các khoản nợ, trách nhiệm tài chính khác với bên thứ ba. Do đó, Trường có thể tồn tại các khoản nợ và gánh nặng tài chính khác. Về mặt nguyên tắc, sau khi mua lại, nhà đầu tư mới sẽ phải kế thừa và chịu toàn bộ các khoản nợ, gánh nặng tài chính mà chủ sở hữu cũ để lại.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác có liên quan như quyền thuê đất, thuê cơ sở vật chất, hợp đồng với giảng viên, cơ sở liên kết, tính hợp pháp trong quá trình điều hành trường …… cần được kiểm tra kỹ để đảm bảo rằng, chủ sở hữu mới không phải chịu trách nhiệm về những rủi ro pháp lý và gánh nặng tài chính mà chủ sở hữu cũ để lại.

DO ĐÓ, theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc thực hiện thủ tục thẩm định pháp lý (Due diligence) là hết sức cần thiết và cần phải làm. Từ kết quả due diligence, nhà đầu tư Hàn Quốc mới có đủ cơ sở để quyết định việc mua lại hay không. Trong trường hợp quyết định mua lại thì chủ sở hữu cũ chịu sự ràng buộc và trách nhiệm như thế nào, là nội dung cần phải được thảo luận và quy định chi tiết trong hợp đồng mua lại.

 

Theo https://intecovietnam.vn/truong-trung-cap-nghe