Tin tức

Vì sao Nga cháy hàng bao cao su, Mỹ đắt hàng súng?

28/03/2020 ,14:51

Do lo sợ dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người dân Mỹ đổ xô đi mua súng, còn dân Nga đi mua bao cao su dự trữ.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân Nga, Mỹ và các nước châu Âu khác đang đổ xô đi thu mua hàng để tích trữ.

Ở Nga, doanh số đồ chơi dành cho người lớn (sextoy) và bao cao su đã tăng vọt khi chính phủ yêu cầu người dân hạn chế đi lại hoặc tự cách ly sau khi trở về từ vùng dịch. Ozon, một trong những nền tảng bán hàng trực tuyến lớn nhất Nga, cho biết doanh số bán sextoy và bao cao su trên trang này tăng hơn 3 lần.

Nhu cầu lên tới đỉnh điểm từ ngày 14 đến 17/3 khi nhiều công ty yêu cầu nhân viên làm việc từ xa. Doanh số đồ lót nữ cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chiếm phần lớn là trang phục nữ y tá.

Ngoài các mặt hàng "18+" nói trên, người Nga cũng lùng mua kiều mạch - một loại ngũ cốc giống như gạo của các nước Đông Nam Á. Doanh số bán hàng điện tử cũng tăng cao trong mùa dịch, đặc biệt là các thiết bị như máy chơi game cầm tay, điện thoại thông minh và tủ đông để trữ thực phẩm dùng trong nhiều ngày.

Trong khi người dân Nga quan tâm tới mặt hàng bao cao su thì tại Mỹ, doanh số súng đạn đã tăng khi số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng vọt tại xứ cờ hoa.

"Doanh số của chúng tôi tăng tới 800%" - ông David Stone, chủ một cửa hàng bán súng đạn chia sẻ.

Vi sao Nga chay hang bao cao su, My dat hang sung?
Một cửa hàng bán súng trường bán tự động ở Mỹ - Ảnh: REUTERS

Stone cho biết phần lớn khách hàng của ông là những người lần đầu tiên đi mua súng và họ sẵn sàng lấy bất cứ thứ gì có sẵn trong cửa hàng.

Tiffany Teasdale, chủ một cửa hàng bán súng ống khác ở Washington - một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh - cũng chứng kiến tình trạng tương tự.

"Nếu bình thường, ngày may mắn nhất có thể bán được 25 khẩu súng thì bây giờ mỗi ngày chúng tôi có thể bán ra tới 150 khẩu các loại", Teasdale nói số khách đông tới nỗi xếp hàng dài bên ngoài, buộc cô phải thuê thêm một bảo vệ để giữ trật tự.

Việc người Mỹ đổ xô mua súng cho thấy nỗi lo sợ về bất ổn xã hội khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp. Một khách hàng tâm sự cô quyết định mua cho mình một khẩu súng ngắn sau khi chứng kiến hai người phụ nữ đánh nhau đến chảy máu đầu chỉ vì giành một thùng nước suối cuối cùng trong siêu thị.

Không chỉ Mỹ, tại Hungary, hàng trăm người dân cũng xếp hàng bên ngoài một cửa hàng bán vũ khí để mua các loại súng không cần giấy phép.

“Đây là một biện pháp phòng ngừa. Tôi không muốn phải hối tiếc khi thấy mình ở trong cuộc xung đột mà không có gì khác ngoài cây chổi”, Rostas, 33 tuổi, nói khi anh ta xếp hàng bên ngoài một cửa hàng nhỏ ở Budapest, chuyên bán vũ khí phi quân sự mà không cần giấy phép.

Được biết, các nước châu Âu kiểm soát súng rất chặt chẽ, nhưng nhu cầu về vũ khí nhỏ đã tăng lên ở một số khu vực, trong bối cảnh lo ngại đại dịch Covid-19 ngày càng tăng. Hiệp hội các nhà sản xuất vũ khí Cộng hòa Czech, cho biết các chủ cửa hàng súng đã báo cáo nhu cầu và doanh số tăng gấp đôi.

“Chúng tôi đang bán gấp 5 lần so với tháng 3 của những năm trước. Chúng tôi có thể bán gấp 15 lần nếu có thêm súng bắn đạn cao su, nhưng chúng tôi đã hết”, Gabor Vass, người điều hành 3 cửa hàng súng ở thủ đô Hungary nói.

Tại Úc, theo Reuters, các cửa hàng tạp hóa lớn tại nước này buộc phải hạn chế số lượng giấy vệ sinh bán cho mỗi khách hàng do người dân ồ ạt mua tích trữ vì lo ngại dịch Covid-19.

Vi sao Nga chay hang bao cao su, My dat hang sung?
Giấy vệ sinh được vét sạch tại siêu thị Coles, Greenslopes Mall. Ảnh: CNN.

Từ khóa #toiletpapercrisis (khủng hoảng giấy vệ sinh) đang là xu hướng được nhiều người dân Úc quan tâm nhất trên Twitter. Kèm theo đó, người dân đăng tải hình ảnh, video cho thấy kệ siêu thị trống rỗng và những xe đẩy chất đầy giấy vệ sinh.

"Chúng tôi cố gắng trấn an người dân không nên ồ ạt đi mua giấy vệ sinh dự trữ vào lúc này", Giám đốc Y tế Australia, Brendan Murphy nói.

Trong một thông báo, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Australia, Woolworths tuyên bố chỉ bán cho mỗi khách hàng 4 bịch giấy vệ sinh, kể cả kênh bán hàng trực tuyến. Woolworths nhấn mạnh biện pháp này là nhằm đảm bảo mọi khách hàng đều có thể mua được.

Chuỗi siêu thị Costco Wholesale, cũng tuyên bố chỉ bán cho mỗi khách hàng một bịch giấy.

Ngoài ra, người dân Úc cũng ồ ạt mua dự trữ nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác.

Tập đoàn bán lẻ Coles đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu nước rửa tay và nước giặt, cách đây vài tuần. Coles cho biết họ đang làm việc với các nhà cung cấp và đối tác vận chuyển để cải thiện tồn kho các sản phẩm thiết yếu, nhưng không xác nhận liệu phân phối theo định mức cho một số mặt hàng nhất định hay không.

"Chúng tôi đang tăng cường nhập hàng từ các trung tâm phân phối và nỗ lực để lấp đầy các kệ hàng càng nhanh càng tốt", Coles nói trong một tuyên bố gửi qua email.

Theo https://baodatviet.vn/