Tin tức

Vòng luẩn quẩn mua đi bán lại đất nền

15/07/2020 ,14:29

Giá trị lợi tức của đa số đất nền ở nước ta được “thổi” giữa những người buôn đất với nhau và thường được gọi là “giá thị trường”.

iá trị của căn nhà ở nước ngoài bằng tiền mua đất (rất rẻ) + công xây dựng (khá đắt) + thuế (tương đối cao) + giá trị tạo ra lợi tức (so sánh với đi thuê, cho thuê hoặc tự kinh doanh - gần như cố định).

Giá trị căn nhà ở Việt Nam bằng tiền mua đất (giá siêu khủng) + công xây dựng (tương đương nước ngoài) + thuế (khá thấp và chỉ đóng một lần) + giá trị tạo ra lợi tức (một cái dấu hỏi to tướng).

Suy ra, ở Việt Nam người ta gần như không mua bán nhà cửa (trừ căn hộ chung cư), họ chỉ mua bán đất nền. Nếu trên đất nền có nhà thì họ sẽ ở tạm, có tiền họ nhất định sẽ đập đi xây lại. Công xây dựng cũng đắt nhưng so với giá đất nền thì chẳng đáng nhắc tới.

Giá thị trường bất động sản của người ta là có tính đến mật độ dân cư, điện đường trường trạm từ đó người mua bất động sản có thể tính ra được lợi tức khi so sánh giữa tiền thuê và tiền cho thuê bất động sản ấy. Còn giá thị trường của ta thì không tính được, hoàn toàn phó mặc may rủi - 5, 10 năm sau dân cư ở đó có đông lên hay không, đông đến mức nào, giá thuê hoặc cho thuê ước tính độ bao nhiêu.

Hệ quy chiếu khác nhau vì luật đất đai khác nhau. Ở những nước có lãnh thổ rộng lớn, nếu bạn thích mảnh đất nào mà chưa có ai đầu tư trồng trọt hay xây dựng cái gì trên đó, hoặc nhà nước chưa có quy hoạch gì trên đó, bạn có quyền đăng ký với chính quyền xin được sở hữu miếng đất đó. Miếng đất càng to thì tiền thuế (tính trên mét vuông) càng lớn. Bạn bỏ hoang hay làm cái gì trên miếng đất ấy bạn vẫn phải chịu thuế.

Ở những nước có diện tích hạn hẹp thì tiền thuế trên từng mét vuông là rất to. Bởi vậy, chả ai dám xin sở hữu miếng đất to rồi bỏ hoang cả. Nếu mua rồi chờ được giá bán lại như ở ta, thì chưa bán được miếng đất đã sập tiệm vì thuế. Vậy, cho phép sở hữu đất thì nhà nước đền bù giải tỏa như nào? Nhà nước sẽ đổi cho bạn một miếng đất khác có diện tích tương đương và đền bù giá trị tài sản mà bạn đã đầu tư trên mảnh đất mà nhà nước muốn giải tỏa. Khoản đền bù này bằng 20 năm giá trị lợi tức của bất động sản. Ví dụ, cái nhà mà bạn đang ở sẽ được tính theo giá thuê nhà của căn tương tự tại nơi đó nhân cho 20 năm cộng với công xây dựng ra cái nhà tương tự. Rất minh bạch rạch ròi, đúng không?

Nếu đa số người ở nơi đó chấp nhận và rời đi mà bạn không đi, đòi hỏi này nọ thêm tiền đền bù thì bạn sẽ bị nhà nước cưỡng chế. Ta thì thuế đất thì gần như không có hoặc là đánh đồng với bất động sản nên người người nhà nhà kéo nhau đi buôn đất nền.

Nước ngoài không như vậy. Nếu anh không tính ra được lợi tức kinh doanh trên mảnh đất mà anh đã mua thì anh sẽ phải đóng thuế chết bỏ, hoặc là bỏ của chạy lấy người, trả đất lại cho nhà nước. Chính sách đất đai mỗi nước mỗi khác nhưng điểm chung của nó là thúc đẩy sự luân chuyển vốn với tốc độ càng nhanh càng tốt. Anh mua miếng đất nền rồi xây gì đó trên miếng đất ấy, bán lại cho người có nhu cầu, rồi lại mua miếng đất khác lại xây gì đó lại bán lại (không bán cũng dùng để cho thuê miễn sao trả đủ tiền thuế thì thôi). Đầu tư kinh doanh bất động sản là vậy đó.

Còn ta, mua đất nền, bán đất nền lại mua đất nền lại bán đất nền. Rút cục vẫn là đất nền mà không có bất cứ tài sản gì có thể sử dụng được. Đó là chưa nói đến việc chờ cho giá lên cũng mất không ít thời gian, tốc độ luân chuyển vốn cực kỳ chậm chạp. Chỉ có dân đầu cơ đất có thể có lợi (số người có lợi chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số người tham gia buôn đất), xã hội và nền kinh tế chẳng được lợi gì.

Tiền thuế ấy nhà nước dùng để chi trả cho y tế miễn phí, học hành miễn phí (với người nghèo). Các quỹ trợ cấp người nghèo luôn được rút ra từ nguồn thuế phí nào đó tương tự như thuế đất. Cho nên, khi xây dựng chính sách gì, chả ai đề cập đến người nghèo.

Còn ta, nhà nước xây dựng cái gì hơi hoành tráng tí là vô số người nhảy ra viện cớ người nghèo này nọ. Tiền thì họ vô tư bỏ túi nhưng vẫn mở mồm đòi quyền lợi cho người nghèo.

Theo https://vnexpress.net/vong-luan-quan