Tin tức

Vừa kiện Trung Quốc, Mỹ lộ tin sốc khó bào chữa

25/04/2020 ,11:40

Giữa lúc Mỹ-Trung tranh cãi gay gắt về trách nhiệm lây lan dịch bệnh thì quan chức Mỹ thừa nhận từng chủ quan về virus corona.

Các bằng chứng từ giới chức y tế địa phương vừa mới được công bố đã cho thấy thông tin không mấy tích cực cho Mỹ trong việc tìm mọi cách đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19.

Vua kien Trung Quoc, My lo tin soc kho bao chua
Bà Sarah Cody, giới chức y tế quận Santa Clara. Ảnh: SF Chronicle.

Theo đó, các trường hợp ghi nhận tử vong do virus corona chủng mới ở Mỹ xuất hiện từ tháng 1/2020. Khi ấy, giới chức y tế địa phương đã cho rằng đây đơn giản chỉ là cúm mùa. Bên cạnh đó, khi đó tại Mỹ chưa hề có thông tin hay phương pháp nào để xác định bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. 

Giới chức y tế tại quận Santa Clara, bang California (Mỹ) cho rằng, virus corona đã xuất hiện ở khu vực này từ tháng 1/2020, gây nên cái chết cho một phụ nữ 57 tuổi.

Sau đó, một người đàn ông 69 tuổi chết hôm 17/2 và một người đàn ông 70 tuổi chết hôm 6/3 đã gây nên nghi ngờ về nguyên nhân dẫn đến tử vong. Văn phòng giám định y tế của quận đã lưu lại mẫu mô của những bệnh nhân này và gửi tới Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) để xét nghiệm.

Khi ấy, CDC cũng đưa ra tiêu chí xét nghiệm khá hẹp - chỉ thực hiện xét nghiệm với các cá nhân có lịch sử du lịch đến vùng dịch và xuất hiện triệu chứng cụ thể. Nhưng 3 trường hợp này không có lịch sử đi du lịch và lại bị gạt bỏ nghi ngờ tử vong do virus corona. 

Bà Sarah Cody, giới chức y tế quận Santa Clara cho biết, thời điểm tháng 1/2020 tại khu vực này đã có một đợt dịch cúm "tồi tệ" và dẫn tới nhiều trường hợp bị phân loại sai. Các trường hợp này tử vong vì COVID-19 nhưng đã bị kết luận là vì cúm mùa. Điều đó dẫn tới khả năng sự lây nhiễm virus corona trong cộng đồng có thể còn cao hơn. 

"Ba người này đã chết tại nhà trong thời gian mà chúng ta xét nghiệm rất hạn chế. Những trường hợp tử vong này cho chúng ta thấy rằng đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng ở mức độ đáng kể, sớm hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã biết" - bà Sarah Cody nhận định.

Trước đây, ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên ở Mỹ vẫn được cho là diễn ra vào ngày 29/2 ở bang Washington.

Tới nay, việc Mỹ phát hiện ra ca tử vong sớm nhất thực tế lại xuất hiện trước đó 3 tuần có thể sẽ cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về sự bùng phát đại dịch ở nước này.

Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy một điều rằng, ngay cả khi Washington khẳng định họ đang minh bạch mọi thứ với thế giới, vẫn có những sai sót xảy ra và ảnh hưởng đến kết luận cuối cùng.

Vua kien Trung Quoc, My lo tin soc kho bao chua
Mỹ đòi kiện Trung Quốc vì là nguồn lây dịch bệnh nhưng dữ liệu mới nhất đi ngược lại tuyên bố của Mỹ.

Ca tử vong đầu tiên xuất hiện khi không có lịch sử du lịch có thể đặt câu hỏi lớn cho Mỹ về nguồn gốc lây lan virus tại nước này. Washington cũng là một trong những quốc gia phản ứng mạnh mẽ trước sự bùng phát dịch bệnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) khi đã rầm rộ đưa người Mỹ về nước vào ngày 28/1.

Đến ngày 31/3, chính quyền Mỹ thông báo sẽ cấm nhập cảnh với các công dân nước ngoài đã tới Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua để phòng ngừa dịch bệnh. Thời điểm đó, nước Mỹ ghi nhận 7 ca nhiễm virus corona chủng mới. Động thái của Washington khi đó đã gây nên sự bức xúc với công dân Trung Quốc khi đánh giá nhẹ về dịch bệnh này.

Đến nay, Mỹ đã không ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc không thực hiện các ứng phó kịp thời và cảnh báo các quốc gia khác cho đến khi dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh ra cộng đồng.

Tuy nhiên, khi nhắc tới việc đổ lỗi cũng cần phải lưu ý đến chi tiết, với hệ thống tình báo trải khắp toàn cầu, Mỹ cũng đã sớm nhận được cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona nhưng đã bị lãnh đạo Nhà Trắng bỏ qua.

Times of Israel mới đây dẫn thông tin từ truyền hình Kênh 2 của nước này cho biết, cộng đồng tình báo Mỹ biết bệnh lạ, sau này được gọi là COVID-19, xuất hiện ở Vũ Hán trong tuần thứ 2 của tháng 11/2019, tức sớm hơn một tháng rưỡi trước khi Trung Quốc xác nhận các ca đầu tiên.

Khi cộng đồng tình báo Mỹ biết được dịch COVID-19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), thông tin về dịch bệnh này chưa được công khai và dường như chỉ có chính quyền Trung Quốc biết. Dù Nhà Trắng không quan tâm đến báo cáo về tình trạng dịch bệnh ở Vũ Hán lúc đó, Trung tâm Tình báo y khoa quốc gia (NCMI) thuộc Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) của chính phủ Mỹ vẫn chuyển báo cáo cho NATO và Israel.

Thông tin này rất khó kiểm chứng. Giám đốc NCMI Shane Day hồi tuần trước đã bác bỏ sự tồn tại của báo cáo này. 2 nguồn tin trong giới tình báo xác nhận với ABC News rằng đúng là có những cảnh báo như vậy song không nói rằng báo cáo đã được chuyển tới NATO và Israel.

Các bằng chứng mới được đưa ra cho thấy ngay cả Mỹ cũng có sự sai lầm về các thông tin mà họ cho là "minh bạch". Mới đây, chính quyền một bang của Mỹ đã đòi kiện Trung Quốc vì không kiểm soát nguồn lây nhưng cuối cùng thì ngay cả ở Mỹ cũng "mù mờ" về nguồn gốc dịch này.

Thông tin về ca tử vong sớm nhất ở Mỹ xảy ra do các sơ suất từ hệ thống y tế Mỹ sẽ có thể dẫn tới những số liệu khác biệt so với những gì mà Washington đã báo cáo.

Thực tế điều này không nằm ngoài dự tính của các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bà Maria van Kerkhove, chuyên gia cao cấp của WHO về COVID-19 khi nhận định về việc Trung Quốc sửa đổi số liệu ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã nói điều này là bình thường. 

“Đó là thách thức trong một dịch bệnh đang bùng phát: làm sao xác định toàn bộ ca nhiễm và toàn bộ ca tử vong. Tôi nghĩ nhiều nước sẽ gặp phải hoàn cảnh tương tự, vì họ sẽ phải quay lại và kiểm tra hồ sơ và xem liệu đã tính hết số ca nhiễm chưa” - bà Van Kerkhove cho biết.

Tới nay, ít nhất điều này đã đúng tại Mỹ - quốc gia đã luôn chỉ trích Bắc Kinh che giấu tình hình thật của dịch bệnh và cáo buộc WHO cũng hành động khinh suất khi không có sự can thiệp thực tế ngay từ đầu.

Trung Quốc tăng viện trợ WHO

Trung Quốc tuyên bố sẽ tặng thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới WHO.

Bà Hoa Xuân Oánh - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Bằng khoản đóng góp này, Chính phủ và người dân Trung Quốc muốn thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng đối với WHO”.

Động thái của Trung Quốc chiếm được thiện cảm hơn những nỗ lực đòi tẩy chay và dừng viện trợ WHO của Mỹ.

Trước đó trong tháng 3/2020, Trung Quốc cho biết sẽ hỗ trợ WHO 20 triệu USD. Như vậy, tổng số tiền viện trợ của Trung Quốc cho WHO đến nay là 50 triệu USD, ngoài số đóng góp hàng năm.

Trong khi người Mỹ không ngừng chỉ trích Trung Quốc và WHO, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23/4 cũng đã ca ngợi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng ông và WHO đang “đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích hợp tác quốc tế để ngăn chặn COVID-19 lây lan”.

Theo https://baodatviet.vn/