Một phần sự sáng tạo để đời của Eastman nằm ở việc ông nhận ra chủ đề hấp dẫn nhất của nhiếp ảnh “bấm máy” chính là cuộc sống gia đình, và phụ nữ sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc ghi nhận và lưu giữ những hình ảnh này. Vì vậy, ông tập trung nhắm vào nhóm khách hàng đặc biệt này ngay từ giai đoạn đầu sơ khai của công tác quảng cáo Kodak. Ông thiết lập bộ phận quảng cáo trong công ty mình vào năm 1892, và ngay năm sau, gương mặt nữ đại sứ Kodak (“The Kodak Girl”) đầu tiên trong lịch sử đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng – một hình ảnh mang tính biểu tượng đến mức có vô vàn sách vở và website viết về những cô gái này cho đến tận ngày nay.
Bộ phận quảng cáo của Kodak sớm gặt hái danh tiếng từ lúc đó. Vào năm 1921, tạp chí Advertising and Selling đăng đàn một bài viết thú vị mà trong đó, họ tuyên bố một cách tâm phục khẩu phục rằng, “Hễ nhắc đến chiến dịch quảng cáo của Kodak trong bất kỳ công ty và phòng ban quảng cáo nào, tất cả mọi người đều biết đến nó, đều đã cập nhật những mẩu quảng cáo mới nhất của nó, và tất cả đều nhất trí ca ngợi nó. Mọi sự phê bình và chê bai gần như không đáng kể.”
Cũng theo bài viết trên, các chiến dịch quảng cáo của Kodak đều nhằm mục đích “nhất tiễn song điêu”: Thứ nhất, truyền đạt đến công chúng thông điệp về sự đơn giản của nhiếp ảnh thông qua những câu khẩu hiệu như “Bạn chỉ việc bấm máy, phần còn lại chúng tôi lo,” “Bất kỳ ai cũng có thể trở thành tay máy cừ khôi,” “Chụp ảnh thả ga,”…; thứ hai, cũng là mục đích quan trọng hơn, “thuyết phục cả thế giới đồng lòng tận hưởng thú vui chụp ảnh.”
Bạn chỉ việc bấm máy, phần còn lại chúng tôi lo.”
Nói cách khác, thông điệp bán hàng của Kodak vượt trên ý niệm vật chất thông thường về sự đơn giản của nhiếp ảnh: “Nhà quảng cáo sớm nhận ra mình cần một thứ gì đó khác để đảm bảo kết quả thành công trọn vẹn hơn cho chiến dịch quảng cáo. Số người quan tâm đến nhiếp ảnh trong dân chúng kỳ thực không nhiều – chỉ khoảng vài nghìn người trong một thành phố hay một bang – chứ không phải ‘vài triệu người trên toàn cầu’ như mục tiêu mà Kodak khao khát vươn đến và chinh phục. Chính sự nhận biết vấn đề nhanh chóng này đã giúp định hướng chiến dịch quảng cáo của Kodak tập trung vào những nhân tố khả dụng hơn, bao gồm sức hấp dẫn thực sự của Kodak: khả năng ghi nhận và lưu giữ những sự kiện xã hội, những khoảnh khắc gắn liền với mối quan tâm của con người, có ý nghĩa gắn bó về mặt tình cảm hoặc cảm xúc đối với họ.
Các chiến dịch quảng cáo của Kodak không nhắm đến việc biến thương hiệu này thành một trào lưu, mà là một đồng minh thân cận của tất cả những trào lưu và xu hướng thời thượng với nhiệm vụ tạo ra một sân chơi đích thực dành cho con người – nơi họ lưu giữ trái tim mình. Những buổi đi chơi cùng nhau, những câu chuyện du lịch, những chuyến đi săn, câu cá, nhịp sống yên bình trong tổ ấm, những kỷ niệm đáng nhớ, những khoảnh khắc chào đời và khôn lớn của lũ trẻ,… đều là những sự kiện đánh động trái tim của mọi con người, cũng chính là chủ thể thực sự trong mọi định hướng kinh doanh và quảng cáo của Kodak.
Quý ông Lewis Bunnell Jones – giám đốc quảng cáo của công ty Eastman – đã tóm lược bài viết trên một cách thông thái bằng hai câu kết đầy ý nghĩa: “Các phát minh của Kodak sáng tạo nên nghệ thuật nhiếp ảnh cho thế giới. Quảng cáo của Kodak nỗ lực tạo ra một thế giới dành riêng cho nghệ thuật nhiếp ảnh.”
Jones cũng chính là người đã sáng tạo nên thuật ngữ “Phép màu Kodak” (“Witchery of Kodakery”) như một cách để truyền tải và nhấn mạnh sự diệu kỳ mà nhiếp ảnh mang đến cho con người, cùng những năng lực đáng nể của nó trong việc giúp con người bắt tóm và lưu giữ hình ảnh của cuộc sống hàng ngày. Càng ngẫm nghĩ thuật ngữ đó, chúng ta càng cảm nhận được những giá trị và di sản kỳ diệu của nó – đến tận ngày nay.
Và giờ đây, Kodak đã hiện diện trong mọi ngôi nhà, kể cả một đứa trẻ cũng có thể cầm máy và tạo nên tác phẩm của riêng mình…
Theo nghethuatvietquangcao2015.word